Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồ uống Việt Nam giành thị phần trên “sân nhà”

Thanh Hiền| 03/04/2019 07:58

(HNM) - Với sức tiêu thụ lớn, thị trường nước giải khát Việt Nam có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Dây chuyền sản xuất sữa hiện đại tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk.


Sức hút mạnh của thị trường đồ uống

Theo thống kê của Bộ Công Thương, từ năm 2007 đến nay, đã có 206 doanh nghiệp với hàng trăm nhãn hiệu được cấp phép nhượng quyền tại Việt Nam nhưng nhiều nhất vẫn là các thương hiệu đồ uống. Riêng năm 2018, Bộ Công Thương đã cấp phép nhượng quyền cho 4 thương hiệu nước ngoài thuộc ngành đồ uống. Mới đây nhất, thương hiệu cà phê và dịch vụ của nhà bán lẻ sản phẩm cà phê Wayne Och Margaretas Coffee (Thụy Điển) đã được nhượng quyền tại Việt Nam. Trước đó, có thương hiệu kinh doanh trà và đồ uống KF Tea Franchising LLC (Mỹ), thương hiệu kinh doanh đồ uống không cồn nhãn hiệu Cha For Tea (Đài Loan - Trung Quốc) và thương hiệu Founder Rou Gu Chan International Franchise Pte Ltd (Singapore)…

Không chỉ bùng nổ ở thị trường nhượng quyền thương mại, các sản phẩm đồ uống đóng chai nhập khẩu cũng đang đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Với thị trường bia rượu, xu hướng dùng hàng cao cấp đang tăng trưởng mạnh mẽ, các doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối trong nước đã nhập khẩu hàng loạt thương hiệu bia, rượu nổi tiếng trên thế giới có giá trị cao. Bên cạnh các dòng bia ngoại như Heineken, Chang, Budweiser, Singha…, các loại rượu như Hennessy, Johnnie Walker, Chivas Regal cũng được nhập khẩu với số lượng lớn.

Nói về lý do thị phần nước giải khát rơi vào tay doanh nghiệp ngoại, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam Nguyễn Văn Việt cho biết, phần lớn doanh nghiệp Việt có quy mô nhỏ lẻ, không đủ tiềm lực tài chính nên công nghệ, thiết bị máy móc dùng trong ngành nước giải khát có tới 52% là lạc hậu, 38% trung bình, 10% hiện đại và chỉ có 2% là công nghệ cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt thiếu liên kết, chậm thích ứng với tập quán kinh doanh quốc tế và các hiệp định thương mại tự do... Đây là cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp ngoại lấn sân vào thị trường nước giải khát Việt Nam cạnh tranh thị phần.

Cạnh tranh bằng sản phẩm hợp xu hướng

Theo nghiên cứu của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), Việt Nam là một trong những thị trường có sức tiêu thụ thực phẩm - đồ uống rất tiềm năng. Trong đó, đồ uống không cồn là một trong 3 nhóm (gồm cả bia và thực phẩm) tăng trưởng nhanh nhất trong ngành hàng tiêu dùng nhanh. Với sức tiêu thụ tốt nên tăng trưởng giá trị của nhóm đồ uống không cồn vào ngành tiêu dùng nhanh, năm 2018 là 19,7%. Với sự thay đổi tiêu dùng, những năm gần đây, thị trường nước giải khát đang có sự chuyển mình rõ rệt trong cả việc đầu tư, phát triển sản phẩm và xu hướng chọn lựa những sản phẩm có nguyên liệu từ thiên nhiên thay cho nước có gas ngày càng tăng.

Cũng theo khảo sát do Vietnam Report thực hiện, hơn 86% người tiêu dùng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh khi được hỏi đã lựa chọn các sản phẩm tự nhiên và hữu cơ, hoặc các sản phẩm đúng mùa vụ để tiêu dùng. Bên cạnh đó, để giúp giảm bớt áp lực trong việc ăn uống hằng ngày, những người bận rộn cũng có thiên hướng chọn các sản phẩm tiện lợi nên dòng sản phẩm này cũng gia tăng mạnh mẽ.

Dù thị trường nước giải khát đang bị doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh, tuy nhiên theo Chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam Lê Phụng Hào, doanh nghiệp Việt vẫn có cơ hội phát triển nếu biết cách khai thác thị trường “ngách” với các sản phẩm riêng. Người tiêu dùng đang dần chuyển sang sử dụng nước giải khát nguồn gốc hữu cơ có lợi cho sức khỏe, vì vậy doanh nghiệp Việt nên sản xuất các loại nước ép trái cây đặc thù của Việt Nam như trà thảo mộc không gas… hay đưa ra sản phẩm dành cho phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình như học sinh, sinh viên… Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với doanh nghiệp ngoại, doanh nghiệp Việt phải nhanh nhạy nắm bắt các xu hướng tiêu dùng mới để đưa ra sản phẩm phù hợp và có chiến lược linh hoạt với biến động trên thị trường, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành nước giải khát. Đặc biệt, với mức thu nhập đang ngày càng tăng của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng, nhu cầu trải nghiệm các sản phẩm mới, có thương hiệu cao cấp, sản phẩm có lợi cho sức khỏe đang ngày càng tăng. Do đó, các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống cũng cần chú trọng đầu tư nghiên cứu phát triển những dòng sản phẩm thực sự cao cấp thuộc phân khúc này để đón đầu thị trường.

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, để có vị thế trên "sân nhà", các doanh nghiệp nội phải chấp nhận cạnh tranh giành thị phần với doanh nghiệp ngoại; tập trung nghiên cứu từng công đoạn, từ việc hình thành chuỗi sản xuất, mẫu mã, bao bì cho tới tiếp thị; kết nối hệ thống sản xuất và phân phối, bớt khâu trung gian. Về phía các cơ quan chức năng, cần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu, gắn kết sản xuất và phân phối, giúp doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh trước doanh nghiệp ngoại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồ uống Việt Nam giành thị phần trên “sân nhà”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.