Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng tham nhũng qua kiểm soát quyền lực

Đức Anh| 12/04/2019 08:30

(HNM) - Tăng cường kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước, gắn với việc kiểm tra, giám sát; đồng thời bổ sung cán bộ có phẩm chất đạo đức và nghiệp vụ... là những giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm toán...

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: QĐND


Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh, thời gian qua, tham nhũng không những gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực công, xâm hại đến hoạt động của bộ máy nhà nước, mà còn làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, suy giảm niềm tin, cản trở nỗ lực giảm nghèo và phát triển quốc gia. Thực tế cho thấy, nếu không có tình trạng tha hóa quyền lực thì khó xảy ra tham nhũng. Tuy nhiên việc kiểm soát quyền lực là vấn đề rất khó, buộc phải làm tốt, nếu không cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ không đạt hiệu quả.

Ông Đặng Thế Vinh cho rằng, để làm tốt việc kiểm soát quyền lực trước hết, cần công phá mạnh vào các vấn đề then chốt, như thực hiện nghiêm việc giới hạn quyền lực nhà nước bằng hiến pháp, pháp luật; cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước, gắn với việc nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát. “Bên cạnh đó cần nâng cao chất lượng và bổ sung cán bộ có phẩm chất đạo đức và nghĩa vụ trong công tác kiểm tra, giám sát” - ông Đặng Thế Vinh nói.

Phân tích về mối quan hệ giữa lạm dụng quyền lực và tệ tham nhũng, Tiến sĩ Hoàng Phú Thọ, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV cũng cho rằng, tham nhũng và lạm dụng quyền lực là một vấn đề nhức nhối, có mối quan hệ khăng khít với nhau. Quyền lực có thể xem như bệ đỡ để nảy sinh tham nhũng và tham nhũng là cơ sở để tăng quyền lực. Vì vậy, việc kiểm soát quyền lực chính là cơ chế để ngăn chặn, loại bỏ tham nhũng.

Để kiểm soát việc lạm dụng quyền lực, Tổng Biên tập Báo Kiểm toán Đỗ Hồng Công cho rằng, việc làm này phải thực hiện thường xuyên, toàn diện và sạch sẽ, tránh nảy sinh tình trạng cửa quyền, quan liêu, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó cần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động kiểm toán, qua đó góp phần quan trọng vào việc kiểm soát quyền lực trong các cơ quan nhà nước và góp phần phòng, chống tham nhũng. Luật Kiểm toán Nhà nước cần được cân nhắc, sửa đổi các quy định về tổ chức, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước để thực hiện trách nhiệm phòng ngừa tham nhũng một cách hiệu quả.

Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định, từ vai trò, vị thế vốn có, Kiểm toán Nhà nước là công cụ quan trọng để phòng, chống tham nhũng, tội phạm. Tuy nhiên, trên thực tế, vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm soát quyền lực nói chung và phòng, chống tham nhũng nói riêng chưa được quy định cụ thể, đầy đủ và phù hợp; cũng như chưa thể hiện rõ ràng hiệu quả và hiệu lực trong thực thi vai trò đó. Chính vì vậy, việc xác định đúng vai trò cũng như xây dựng một hệ thống pháp lý sẽ giúp Kiểm toán Nhà nước thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ của mình trong kiểm soát quyền lực, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng tham nhũng qua kiểm soát quyền lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.