Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ưu tiên nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm

Tuấn Khải| 23/05/2019 07:54

(HNM) - Hội nghị kêu gọi đầu tư dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, do Bộ Giao thông - Vận tải tổ chức mới đây, đã thu hút gần 200 doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham dự.

Sẽ có nhiều chính sách ưu đãi với nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.


Bảo đảm tính cạnh tranh, minh bạch

Theo Bộ Giao thông - Vận tải, Chính phủ đã quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gồm 21 tuyến, với tổng chiều dài 6.411km. Trong đó, trọng tâm là tuyến đường bộ cao tốc trên hành lang kinh tế Bắc - Nam đi qua 32 tỉnh, thành phố, kết nối Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, 4 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long) và hàng loạt khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp lớn, các cửa khẩu, cảng biển quốc tế.

Giai đoạn 2017-2020, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông được đầu tư xây dựng 654km, đi qua 13 tỉnh, thành phố, chia làm 11 dự án thành phần. Trong đó, có 3 dự án đầu tư công, 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư). Theo quy định, 8 dự án PPP được lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, từ năm 2017 đến nay, Bộ đã thực hiện các bước chuẩn bị để tổ chức đấu thầu quốc tế. Hai đơn vị tư vấn giao dịch quốc tế là Deloitte và Ernst & Young hỗ trợ rà soát cấu trúc tài chính của dự án, xây dựng hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng... Trong đó, các tiêu chí lựa chọn sơ tuyển nhà đầu tư đã được nghiên cứu kỹ, tuân thủ pháp luật Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm công bằng, tính cạnh tranh và minh bạch, không phân biệt nhà đầu tư trong nước với quốc tế.

Để các dự án thành phần triển khai được thuận lợi, Chính phủ cam kết bố trí vốn thực hiện toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng; bố trí vốn góp của Nhà nước để hỗ trợ xây dựng công trình. Cùng với đó, nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; hàng hóa xuất - nhập khẩu để thực hiện dự án được hưởng ưu đãi. Nhà đầu tư được miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao, hoặc được thuê đất trong thời gian thực hiện dự án phù hợp với quy định về đất đai...

"Giải tỏa" lo ngại về cơ chế, chính sách

Trong tổng số gần 200 doanh nghiệp tham dự hội nghị, có 70 doanh nghiệp là nhà đầu tư nước ngoài, đến từ Anh, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... - con số cho thấy sức hấp dẫn của đại dự án này. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp nước ngoài đã bày tỏ sự lo ngại về việc chậm bàn giao mặt bằng; vấn đề bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh doanh thu chưa được Chính phủ thông qua...

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Nhật khẳng định, những rủi ro, khó khăn mà đại diện nhà đầu tư đưa ra đã được Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nhận diện để chủ động tìm hướng giải quyết. Về mặt bằng, hiện mốc giới giải phóng mặt bằng của toàn bộ 11 dự án thành phần đã được bàn giao cho các địa phương để tập trung triển khai thu hồi đất. Nhà nước cam kết giao mặt bằng cơ bản sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án.

Đối với lo ngại về bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh doanh thu, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, hiện nay pháp luật Việt Nam đã đầy đủ quy định về việc hướng dẫn các nhà đầu tư đến kinh doanh tại Việt Nam có quyền mua ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng được phép, được chuyển phần lợi nhuận vốn cũng như nguồn thu hợp pháp về nước.

Nhà đầu tư có thể xem xét gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng khi lưu lượng xe thấp hơn so với dự kiến cũng là một nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông - Vận tải) giải thích: "Khi lưu lượng phương tiện giảm xuống, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu tính toán lại phương án thu phí, tạo ra giải pháp chia sẻ rủi ro về mặt doanh thu với các nhà đầu tư. Bộ Giao thông - Vận tải đang giao cho hai đơn vị tư vấn nghiên cứu cơ chế phù hợp với pháp luật Việt Nam. Đây là nội dung Bộ đã tính đến. Hồ sơ chính thức về công thức tính toán như thế nào và mức chia sẻ rủi ro là bao nhiêu... đều sẽ có trong hồ sơ mời thầu".

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện khuôn khổ pháp lý cho PPP mới chỉ ở cấp nghị định, chưa đủ cơ sở pháp lý vững chắc. Do đó, cần hoàn thiện sớm và trình Quốc hội Luật PPP. Khi đã có hành lang pháp lý đầy đủ, bảo đảm sự tương thích giữa hệ thống pháp luật trong nước và hệ thống pháp luật quốc tế, chúng ta sẽ giám sát được các dự án và khắc phục được những tồn tại như đã từng gặp.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ưu tiên nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.