Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh báo nguy cơ nhập siêu

Hồng Sơn| 24/05/2019 11:41

(HNMO) - Bức tranh xuất khẩu đã có sự đảo chiều khi bước vào tháng 4, tình trạng nhập siêu xuất hiện...


Ảnh minh họa: Internet


Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu cả nước trong tháng 4 đạt 19,9 tỷ USD, tức giảm 12,6% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do một số mặt hàng chủ lực giảm khá mạnh so với tháng trước, gồm điện thoại và linh kiện (giảm 27,6%), dầu thô (giảm 15,3%), dệt may (giảm 9,2%)... Đây là diễn biến mới và bất lợi do mức cầu thế giới tạm giảm sút.

Theo ông Nguyễn Trung Tiến, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê), kết quả xuất khẩu hạn chế còn do ảnh hưởng từ chủ nghĩa bảo hộ sản xuất và mậu dịch đang trong xu hướng gia tăng, lan rộng tại nhiều quốc gia. Việc duy trì nhịp độ xuất khẩu cao của Việt Nam là điều khó khăn. Trong khi đó kim ngạch nhập khẩu đạt 20,6 tỷ USD. Như vậy nền kinh tế đã nhập siêu 700 triệu USD trong tháng 4.

Về nguyên tắc, muốn chấm dứt nhập siêu thì chỉ có cách duy nhất là gia tăng xuất khẩu tối đa và kìm hãm nhập khẩu ở mức độ thấp hơn xuất khẩu, từ đó kết quả giao thương quốc gia sẽ có thặng dư. Trước mắt cũng như lâu dài, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tận dụng cơ hội do thực thi 12 hiệp định thương mại tự do mang lại, chủ yếu nhờ giảm và cắt bỏ thuế suất để tăng cường xuất khẩu.

Trước hết, cần tập trung nâng cao kim ngạch xuất khẩu, trong đó chú trọng cải thiện tình hình xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. Trong đó, vấn đề đặt ra là khắc phục tình trạng kết quả xuất khẩu nhóm nông sản chính giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, các đơn vị cần sản xuất nông nghiệp sạch để nâng cao chất lượng và giá bán sản phẩm kết hợp thỏa mãn các điều kiện của đối tác nhập khẩu.

Với hàng thủy sản, cần thỏa mãn yêu cầu minh bạch về thông tin, rõ về xuất xứ, kèm hồ sơ, trích dẫn nhật ký đánh bắt cho nhà nhập khẩu. Đây cũng là việc “nhất cử lưỡng tiện” để có thể tiến tới đề nghị EU gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, từ đó mở đường cho việc tăng cường xuất khẩu thủy sản vào thị trường rất giàu tiềm năng này.

Ngoài ra, cần có định hướng tiêu dùng tốt hơn, chủ yếu thông qua tuyên truyền, khuyến khích người dân tự giác thực hiện tiêu dùng thông minh, nhất là biết “nhịn” những nhu cầu chưa thật bức thiết như ô tô, điện thoại thông minh, rượu đắt tiền,... để góp phần giảm kim ngạch nhập khẩu nói chung.

Về phía doanh nghiệp, mỗi đơn vị cũng tìm cách duy trì, đẩy mạnh xuất khẩu để đa dạng hóa thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ông Đỗ Đức Đôn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương cho biết, Tập đoàn Hòa Phát đang đẩy mạnh xuất khẩu, đạt khối lượng 95.000 tấn thép xuất sang Nhật Bản, Canada, Malaysia trong 4 tháng qua, tăng 22% so với cùng kỳ. "Chúng tôi sẽ dồn sức gia tăng khối lượng xuất khẩu sang các thị trường này trên cơ sở bảo đảm chất lượng, giá thành cạnh tranh và nghiệp vụ tiếp thị", ông Đôn nói.

Tình trạng nhập siêu dù mới xuất hiện, nhưng là cảnh báo không thể bỏ qua. Vì thế, cần những biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả nhằm giữ cân bằng cán cân xuất nhập khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo nguy cơ nhập siêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.