Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lạc quan nguồn vốn đầu tư nước ngoài

Hồng Sơn| 04/06/2019 07:36

(HNM) - Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả thu hút và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài 5 tháng qua rất khả quan.


Điều đáng nói, kết quả thu hút vốn tăng ở cả 3 hợp phần, gồm vốn cấp mới, vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, với mức tăng lần lượt là 38,7%, 5,5% và 280%. Ngoài ra, các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân 7,3 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.


Ảnh minh họa.


Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, sự gia tăng mạnh mẽ trong thu hút đầu tư nước ngoài thời gian qua có tác động tích cực từ một số hiệp định FTA Việt Nam tham gia, bên cạnh sự cải thiện rõ rệt về chất lượng môi trường kinh doanh. Ngoài ra, còn có sự dịch chuyển dòng vốn, cơ sở sản xuất của cộng đồng đầu tư nước ngoài.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh do nhiều nhà đầu tư muốn tận dụng các hiệp định FTA, nhất là đón đầu Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Các hiệp định FTA đã mang lại lợi thế đáng kể, giúp Việt Nam có sức cạnh tranh tốt hơn, trong đó chủ yếu nhờ được hưởng thuế suất thấp hoặc bằng 0% đối với hàng xuất khẩu. Nhờ đó, nhiều đối tác ngày càng muốn triển khai dự án sản xuất tại Việt Nam. Đơn cử, kết quả khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) mới đây cho thấy, khoảng 70% doanh nghiệp Nhật Bản được hỏi, xác nhận sẵn sàng mở rộng quy mô hoạt động trong tương lai gần.

Theo ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, tập đoàn này cam kết hoạt động lâu dài tại Việt Nam và mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các đối tác trong nước để cùng tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, đơn vị cũng chủ động tư vấn, trao đổi kinh nghiệm và biện pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện, số lượng doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cho Samsung đã tăng đáng kể, thể hiện hiệu quả đầu tư cũng như hoạt động hợp tác giữa các bên...

Đáng lưu ý, Trung Quốc đang nổi lên, trở thành nhà đầu tư lớn với số vốn đầu tư 2 tỷ USD mới đăng ký. Nguyên nhân được lý giải là chính doanh nghiệp Trung Quốc muốn tìm nơi an toàn cho đồng vốn đầu tư, đồng thời tăng cường hiện diện nhằm đạt được lợi ích "kép", gồm tận dụng các ưu đãi mà hiệp định FTA Việt Nam đã ký kết mang lại cũng như lường trước hậu quả từ "cuộc chiến" thương mại Mỹ - Trung có thể xảy ra.

Đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, dòng vốn từ Trung Quốc đã có xu hướng dịch chuyển khá mạnh sang Việt Nam từ cuối năm 2018, quy mô dự án cũng có sự cải thiện thay vì chủ yếu là dự án nhỏ và vừa như trước. Từ đầu năm đến nay, đã có 2 dự án quy mô lớn của nhà đầu tư Trung Quốc, trong đó có dự án chế tạo lốp ô tô Radian ACTR, với số vốn 280 triệu USD.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, đến nay, Việt Nam vẫn là địa bàn có chi phí nhân công khá rẻ, lại dễ dàng cho hoạt động vận tải, thuận lợi trở thành cầu nối giữa các thị trường. Đó là những điều kiện hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Dự báo, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạc quan nguồn vốn đầu tư nước ngoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.