Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát hoạt động họ, hụi: Quy định chặt chẽ hơn

Mai Hữu - Hà Linh| 08/06/2019 05:26

(HNM) - Sau hàng loạt vụ

Bên cạnh siết chặt quản lý họ, hụi, việc tạo thuận lợi cho người dân vay vốn sẽ hạn chế “tín dụng đen”. Trong ảnh: Ngân hàng Chính sách xã hội cho người dân vay vốn ưu đãi. Ảnh: Bá Hoạt


Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Chơi hụi, họ là hình thức vay vốn, tiết kiệm xuất phát từ văn hóa làng xã. Chơi hụi có 2 loại: Hụi không tính lãi và tính lãi. Nếu tham gia hụi không tính lãi, tất cả người chơi cùng góp số tiền nhất định và lần lượt lấy hụi (tùy theo thỏa thuận), tức là nhận được khoản tiền như nhau, không phân biệt trước, sau. Còn với hụi tính lãi, người lĩnh đầu tiên sẽ thiệt nhất, người lấy sau cùng sẽ được lời nhất.

Mặc dù là hình thức huy động vốn không chính thống, song chơi hụi được nhiều người lựa chọn do không mất thời gian làm các thủ tục như ngân hàng, hay công ty tài chính. Thực chất, chơi hụi không xấu, bởi đây như hình thức tiết kiệm, nhiều người cùng góp tiền để hỗ trợ một người vào một thời điểm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cơ chế thực hiện và kiểm soát đối với những người tham gia để duy trì cho được ý nghĩa đó. Bởi lẽ trên thực tế hình thức chơi hụi dễ bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo, kêu gọi nhiều người tham gia, thu tiền rồi bỏ trốn. Chơi hụi, nhất là hình thức tính lãi, cũng biến tướng thành hình thức huy động vốn, "tín dụng đen", với lời hứa trả lãi suất cao, mà có trường hợp chính người cầm hụi cũng là nạn nhân lừa đảo.

Cách đây vài tháng, một vụ "vỡ" hụi xảy ra tại xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) với tổng số tiền gần 25 tỷ đồng. Với lãi suất được hứa trả tới 20%/tháng, nhiều người đã thế chấp cả nhà cửa, tài sản lấy tiền chơi hụi. Theo Công an huyện Bảo Thắng, đã có 67 người dân ở xã Phú Nhuận đến tố cáo vì bị “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, tại xã Tam Đa, huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh), một dây hụi lên tới hàng trăm tỷ đồng cũng bị "vỡ", khiến hàng chục hộ dân đứng ngồi không yên; việc đòi nợ gây mất an ninh trật tự địa phương. Theo cơ quan chức năng, dưới hình thức chơi hụi, bà Hoàng Thị K - người cầm hụi, huy động tiền của người dân trong xã với lãi suất từ 1.000 đồng đến 1.500 đồng/1 triệu đồng/ngày, sau đó mang cho vay lại với lãi suất 2.000 đồng/1 triệu đồng/ngày.

Thượng tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) nhận định, do tính chất chủ yếu dựa vào uy tín, lòng tin, nên việc chơi hụi tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đây cũng là “mảnh đất màu mỡ” của những vụ việc lừa đảo, hay lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trong thời gian qua. Mặt khác, lợi dụng lãi suất cao, hụi, họ dễ biến tướng, trở thành một hình thức khác của "tín dụng đen"... Đã có không ít vụ vỡ hụi, với tổng giá trị lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, gây chấn động dư luận. Hệ lụy của “vỡ” hụi là nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần, tay trắng; an ninh, trật tự trên địa bàn bị ảnh hưởng.

Cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp

Theo Luật sư Trần Thị Miền - Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, thực tế việc chơi hụi, họ... đã được quy định tại Nghị định 144/2006/NĐ-CP (ngày 27-11-2006), song nghị định này còn nhiều "lỗ hổng", bị lợi dụng. Điển hình như không có quy định về giới hạn một người làm chủ mấy dây hụi, dẫn đến một người có thể làm chủ hụi nhiều dây, tạo nên mạng lưới chồng chéo, để khi "vỡ" hụi tạo dây chuyền đổ vỡ. Từ các lý do này mà Chính phủ đã ban hành Nghị định 19/2019/NĐ-CP để ngăn ngừa các tiêu cực có thể phát sinh; khắc phục việc thiếu chứng cứ khi đóng hụi, hoặc chủ hụi không có tài sản để thi hành án... Trong đó, đáng chú ý có quy định việc chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, hay khi tổ chức từ hai dây hụi trở lên. Cùng với đó, những người chơi hụi phải biết tự bảo vệ quyền lợi của mình, như ngoài việc thỏa thuận về dây hụi bằng văn bản thì người tham gia có thể yêu cầu chủ hụi cấp giấy biên nhận cho việc góp hụi, lĩnh tiền hụi, nhận lãi, trả lãi...

Các vụ “vỡ hụi” đã gây chấn động nhiều vùng quê thời gian qua. Ảnh: Nguyễn Vinh


Làm rõ thêm về việc khai báo mở hụi, ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, quy định này được đưa ra để chính quyền địa phương nắm thông tin việc mở hụi, duy trì dây hụi trên địa bàn, kịp thời phản ánh dấu hiệu vi phạm pháp luật với cơ quan công an. Nhiều năm qua, ở một số địa phương, chính quyền không nắm được thực trạng về việc chơi hụi, họ cho đến khi người dân đến trình báo bị lừa vì chủ hụi mang tiền bỏ trốn. Nghị định 19/2019/NĐ-CP cũng quy định việc thỏa thuận dây họ phải được thể hiện bằng văn bản. Sau hàng loạt vụ chơi họ phát triển với quy mô lớn bị đổ bể, nhiều trường hợp chủ họ lợi dụng lòng tin của những người tham gia để chiếm đoạt tài sản, khi tranh chấp khởi kiện ra tòa án, hoặc cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự thì việc thỏa thuận chơi họ bằng miệng mà không có văn bản khiến việc điều tra, xác minh, cũng như giải quyết vụ án rất khó khăn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, để ngăn chặn, đẩy lùi nạn "tín dụng đen" và các hình thức huy động vốn, cho vay tài chính có thể biến tướng thành "tín dụng đen", cần phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, giải pháp hoàn thiện thể chế pháp luật, tạo hành lang pháp lý khắc phục bất cập là một nội dung quan trọng. Ngành Ngân hàng cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phát triển dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhất là khu vực nông thôn tiếp cận vốn...

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, Bộ Công an sẽ tiếp tục trấn áp tội phạm liên quan đến "tín dụng đen", lừa đảo từ chơi hụi, họ...

Cùng với thực hiện đồng bộ các giải pháp, sự vào cuộc của ngành chức năng và các địa phương, hy vọng việc chơi hụi, họ sẽ được kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định, qua đó góp phần đẩy lùi "tín dụng đen".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát hoạt động họ, hụi: Quy định chặt chẽ hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.