Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quỹ phòng, chống thiên tai: Khó thu, vướng chi

Kim Nhuệ| 24/06/2019 07:15

(HNM) - Quỹ phòng, chống thiên tai được xác định là nguồn lực tài chính quan trọng để hỗ trợ nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, nhiều vướng mắc trong thu - chi khiến nguồn lực này chưa phát huy hiệu quả.

Sau gần 5 năm thực hiện Nghị định 94/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ (Nghị định 94) quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai, đến nay, 53 tỉnh, thành phố đã tổ chức thu quỹ nhưng kết quả đạt thấp so với kế hoạch thực tế của địa phương…

Ông Vũ Bá Tiến, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai kiêm Giám đốc Quỹ phòng, chống thiên tai thành phố Hải Phòng cho biết, mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng việc thu quỹ của Hải Phòng chưa đạt yêu cầu. Trong 3 năm (2016-2018), tỷ lệ thu quỹ của Hải Phòng đạt trung bình khoảng 50% kế hoạch được giao.

Nguyên nhân là do Nghị định 94 chưa quy định cụ thể về trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc nộp quỹ này tại địa phương đứng chân dẫn đến một số doanh nghiệp không đóng cho cơ quan quản lý quỹ của thành phố. Họ nêu lý do "đã nộp quỹ tại trụ sở chính ở địa phương khác"...

Còn theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam, việc thu Quỹ phòng, chống thiên tai của địa phương đang gặp khó khăn ngay từ nội dung của Nghị định 94. Cụ thể, tại Điều 6 của Nghị định 94 có ghi “người đang trong giai đoạn thất nghiệp hoặc không có việc làm từ 6 tháng trong 1 năm trở lên” sẽ được miễn đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai. Đây là quy định rất khó thực hiện bởi chưa bảo đảm tính công bằng, minh bạch.

Bên cạnh đó, Nghị định 94 không quy định hỗ trợ thù lao cho người thu và chi phí hành chính cấp huyện, cấp tỉnh; chỉ hỗ trợ chi cho người trực tiếp đi thu ở cấp xã.

Trong khi việc thu quỹ đã khó, việc chi quỹ cũng không dễ dàng. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, từ năm 2015 đến nay, Hà Nội đã thu được hơn 69 tỷ đồng Quỹ phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, thực hiện theo Nghị định 94, hiện Hà Nội mới chi được 2,618 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân vùng ngập úng của huyện Chương Mỹ, Quốc Oai…

Tương tự, tỉnh Bắc Ninh thu được gần 90 tỷ đồng nhưng mới chi được hơn 19 tỷ đồng; tỉnh Vĩnh Phúc thu được 14,2 tỷ đồng nhưng mới chi được 712 triệu đồng… Các tỉnh: Điện Biên, Yên Bái, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình… dù có tiền nhưng cũng không thể tiêu do các khoản chi hẹp, hạn mức chi thấp và nhiều thủ tục hành chính…

Theo quy định của Nghị định 94, Quỹ phòng, chống thiên tai chỉ được chi vào các khoản: Cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thiên tai; hỗ trợ tu sửa nhà ở, cơ sở y tế, trường học, xử lý vệ sinh môi trường vùng thiên tai, tu sửa khẩn cấp công trình phòng, chống thiên tai có giá trị nhỏ hơn 1 tỷ đồng/công trình…

Do vậy, nhiều địa phương đã đề nghị Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 94 theo hướng phạm vi chi sử dụng quỹ rộng hơn.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng, chống thiên tai) cho rằng, Quỹ phòng, chống thiên tai là nguồn lực tài chính rất quan trọng, thể hiện trách nhiệm của toàn xã hội trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm nhẹ thiên tai.

Để việc thu Quỹ phòng, chống thiên tai đạt kết quả cao, các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân và toàn xã hội. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không thực hiện việc thu, nộp quỹ theo quy định của Nhà nước.

“Tiếp thu kiến nghị của các tỉnh, thành phố, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 94. Dự kiến trong năm 2019, Chính phủ sẽ ban hành văn bản mới thay thế Nghị định 94" - ông Nguyễn Văn Hải thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quỹ phòng, chống thiên tai: Khó thu, vướng chi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.