Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thích nghi với xu hướng mua sắm mới

Thanh Hiền| 24/07/2019 07:50

(HNM) - Thị trường bán lẻ Việt Nam đang dần tiệm cận để phù hợp với xu hướng chung của bán lẻ thế giới. Do đó, việc phát triển, sáng tạo các mô hình kinh doanh thích ứng với xu hướng mua sắm mới là nhằm thu hút sự quan tâm, gia tăng mức độ mua sắm của khách hàng. Đây cũng là đòi hỏi cấp thiết đặt ra với các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam thời gian tới.

Những thách thức

Mới đây, Tập đoàn Vingroup đã đưa vào hoạt động siêu thị ảo VinMart, đồng thời ứng dụng mua sắm Scan & Go (quét mã sản phẩm, lấy hàng nhanh, giao hàng tại nhà) được VinMart mở rộng phạm vi tới 73 siêu thị trên cả nước. Đây là lần đầu tiên hình thức mua sắm này có mặt tại Việt Nam.

Tập đoàn Vingroup đã đưa vào hoạt động siêu thị ảo VinMart, đồng thời ứng dụng mua sắm Scan & Go.

Đang dùng ứng dụng mới tại siêu thị VinMart Hoàng Đạo Thúy, chị Nguyễn Mai Phương (trú tại căn hộ 1205 chung cư 17T1 Hoàng Đạo Thúy, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Thay vì phải đến siêu thị thì với ứng dụng này, các mặt hàng khi đặt mua và được quét mã sẽ được chuyển đến địa chỉ theo yêu cầu, tiền trừ vào tài khoản đăng ký. Đây là bước tiến lớn trong phong cách mua sắm hiện đại, không dùng tiền mặt hiện nay”.

Trao đổi thêm với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết: “Xu hướng tiêu dùng mới hiện nay đã xuất hiện, gắn với sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin. Số khách hàng mua bán thông qua giao dịch điện tử và các hình thức giao dịch, thanh toán thông minh tăng rất mạnh trong thời gian gần đây. Đây là thách thức lớn với các nhà bán lẻ, kể cả trung tâm thương mại”. 

Nghiên cứu của Công ty TNHH Nielsen Việt Nam cho thấy, hiện có khoảng 23 triệu người thường xuyên mua sắm trực tuyến với số tiền chi tiêu chiếm 1/3 trên thương mại điện tử của người tiêu dùng tại Việt Nam. Dự báo, con số này tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, cho thấy người tiêu dùng đang quen dần với việc ứng dụng công nghệ vào mua sắm.

Phân tích về số liệu trên, Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, hiện có nhiều nhà bán lẻ, đặc biệt là những nhà bán lẻ hàng công nghệ như Thế giới di động, FPT... có xu hướng tích hợp thương mại điện tử, kết nối với công nghệ để hiểu rõ hơn hành vi người tiêu dùng, nhằm phục vụ khách hàng tốt nhất. Việc tập trung phát triển hệ thống thương mại điện tử, kết hợp kinh doanh và quảng cáo sản phẩm qua mạng sẽ giúp tăng hiệu quả bán hàng, tiết kiệm chi phí bán hàng cho các nhà bán lẻ.

Tuy nhiên, thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn còn những thách thức cần giải quyết do người dân lo ngại về chất lượng hàng hóa, thời gian chuyển hàng, một số phần mềm thương mại điện tử chưa dễ sử dụng... Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho rằng: "Ngành bán lẻ đang chịu rất nhiều áp lực từ các mô hình kinh doanh mới nổi, mà "cơn lốc" mua sắm trực tuyến là một ví dụ điển hình".

Chủ động tích hợp công nghệ

Trước những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, thị trường bán lẻ Việt Nam cần tiếp tục có nhiều bước phát triển mới nhằm thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng hơn. "Các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược tốt hơn trong việc giữ gìn thương hiệu để người tiêu dùng tin tưởng khi mua sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử. Việt Nam đang có cơ sở hạ tầng tốt cho phát triển thương mại điện tử, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội tiếp cận với công nghệ để thích ứng với xu hướng thế giới một cách nhanh nhất", bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, Công ty TNHH Nielsen Việt Nam nhấn mạnh. 

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op đánh giá việc chuẩn bị tốt hạ tầng công nghệ theo hướng tích hợp đa phương tiện sẽ giúp người tiêu dùng thanh toán dưới nhiều hình thức, điển hình như quét mã QR Code (quét mã vạch hai chiều bằng điện thoại thông minh)...

Đưa ra một số giải pháp, nghiên cứu ứng dụng công nghệ hướng đến tối ưu hóa đầu tư và vận hành cho các nhà bán lẻ, bà Lưu Bảo Vân, Giám đốc điều hành dự án Intage Việt Nam (chuyên nghiên cứu thị trường Việt Nam) cho rằng, việc khai thác được các dữ liệu lớn (big data) hay thông tin từ trí tuệ nhân tạo (AI)… sẽ giúp các nhà bán lẻ cập nhật được thông tin từ thị trường, tối ưu hóa đầu tư dựa vào các quyết định đúng đắn từ cơ sở số. 

Trong khi đó, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương nhấn mạnh: "Việc tiếp cận những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường ngắn nhất để các doanh nghiệp bứt phá, tận dụng cơ hội nâng cao năng lực sản xuất. Đặc biệt, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng cho bán lẻ với dân số lớn, trẻ và ưa thích kết nối. Đây là cơ hội để doanh nghiệp bán lẻ tận dụng sự phát triển của công nghệ, cạnh tranh thành công với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài".

Có thể thấy, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, các kênh bán hàng đều mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Vì vậy, việc tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch trong "cuộc đua" bán lẻ giữa doanh nghiệp "nội" và "ngoại", giữa kênh bán lẻ truyền thống và hiện đại là rất cần thiết. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần tăng cường tính liên kết từ sản xuất đến phân phối để hỗ trợ nhau cùng phát triển thị trường; tăng cường công tác truyền thông đến người tiêu dùng nhằm ủng hộ các sản phẩm hàng hóa do doanh nghiệp "nội" sản xuất.

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 13%; đồ dùng gia đình tăng 12,1%; may mặc tăng 11,1%...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thích nghi với xu hướng mua sắm mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.