Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ: Nâng chất lượng, giữ đà tăng trưởng

Đỗ Minh| 09/09/2019 06:29

(HNM) - Tám tháng qua, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã đem về hơn 6,66 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực (gạo, cà phê, hạt điều…) giảm đáng kể thì gỗ và lâm sản lại có sự “bứt phá” ấn tượng, trở thành điểm sáng trong “bức tranh” xuất khẩu của ngành Nông nghiệp. Để duy trì sự tăng trưởng “bứt phá” ấy, giải pháp hàng đầu là tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm.

Gỗ và lâm sản có bước “bứt phá” ấn tượng với 6,66 tỷ USD kim ngạch trong 8 tháng năm 2019, trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành Nông nghiệp. Trong ảnh: Công nhân Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang hoàn thiện đồ gỗ nội thất. Ảnh: Dũng Minh

Khai thác lợi thế, tạo nguồn lực mới

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Woodsland Đỗ Thị Bạch Tuyết cho biết: Từ đầu năm đến nay, đơn hàng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng đáng kể, với đà này, dự kiến trong năm 2019, giá trị xuất khẩu của công ty tăng khoảng 40% so với năm 2018. Trong đó, sản phẩm của Công ty cổ phần Woodsland chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU). “Đơn hàng tăng mạnh, dự kiến doanh thu năm nay của công ty sẽ đạt khoảng 2.500 tỷ đồng” - bà Đỗ Thị Bạch Tuyết chia sẻ.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, 8 tháng năm 2019, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 6,66 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2018. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ lớn nhất của Việt Nam. Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản, đây là mặt hàng có sự tăng trưởng trong xuất khẩu lớn nhất của ngành Nông nghiệp. Đáng mừng, ngoài 4 thị trường lớn nêu trên, nhiều thị trường khác cũng được doanh nghiệp khai thác, phát triển mạnh như: Ả rập Xê út (tăng 46,9%), Đức (tăng 14,5%)…

Về sự tăng trưởng “bứt phá” này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền cho rằng: “Ngoài sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gỗ hiện nay (khoảng 4.500 doanh nghiệp) là việc ngành này đã từng bước nắm bắt được xu thế thị trường, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm…”. Sự chuyển biến về chất đã mang lại thành công, minh chứng cho điều đó là có tới 87% giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam từ các thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU,…

Nói thêm về nguyên nhân thúc đẩy sự tăng trưởng đầy ấn tượng của ngành sản xuất, kinh doanh gỗ Việt Nam, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị đặc biệt nhấn mạnh đến việc chủ động nguồn nguyên liệu và khai thác hiệu quả các lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Thực tế, Việt Nam đã có 85% diện tích rừng trồng tập trung có kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc; đồng thời, đến nay cả nước đã có 237.386ha rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Cùng với đó, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) với cam kết cắt giảm thuế quan mạnh mẽ đã tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm gỗ của Việt Nam so với các đối thủ (khoảng 83% số dòng thuế được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực…).

Có thể nói, cơ hội đang mở ra với ngành sản xuất, kinh doanh gỗ Việt Nam, thế nhưng điều đó không có nghĩa là phía trước không còn thách thức.

Giải pháp căn cơ: Nâng cao chất lượng

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Gỗ và lâm sản là ngành hàng mũi nhọn của nông nghiệp Việt Nam. Năm 2019, giá trị xuất khẩu ngành hàng này dự kiến đạt 11 tỷ USD. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý: Các nhà sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cần nắm được xu hướng thị trường, đặc biệt là các yêu cầu về nguồn gốc gỗ hợp pháp…

Việc chủ động nguồn nguyên liệu gỗ và khai thác hiệu quả các lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là tiêu chuẩn quan trọng trong xuất khẩu sản phẩm gỗ. Ảnh: Dũng Minh

Thực tế, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã chủ động xây dựng phương án kinh doanh, sản xuất nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Lâm Việt (Bình Dương) Nguyễn Liêm cho biết: Để đáp ứng các đơn hàng từ những thị trường lớn, có giá trị cao, công ty đã và đang đẩy mạnh đầu tư các dây chuyền sản xuất tự động, hiện đại cũng như ứng dụng công nghệ 4.0...

Cũng về vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Woodsland Đỗ Thị Bạch Tuyết cho biết thêm: Để có thể chủ động nắm bắt các cơ hội mới và bảo đảm sự phát triển bền vững, công ty đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường đổi mới công nghệ, đồng thời gắn kết chặt chẽ với người trồng rừng... Công ty cổ phần Woodsland đã xây dựng và đưa vào hoạt động 3 nhà máy thuộc Cụm công nghiệp chế biến gỗ tại Tuyên Quang với hệ thống nhà xưởng, máy móc, công nghệ hiện đại.

Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gỗ và lâm sản cũng có không ít băn khoăn. Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại Minh Trí (Đồng Nai) Phạm Văn Sinh kiến nghị: Nhà nước và các bộ, ngành cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ về nguồn vốn để doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, đặc biệt là xây dựng vùng nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ… 

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu chấm dứt việc khai thác gỗ rừng tự nhiên. Những năm gần đây, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh việc trồng rừng. Hiện nay, Việt Nam có hơn 4,1 triệu héc ta rừng trồng và sẽ ngày càng chủ động hơn về nguồn nguyên liệu. Bộ NN&PTNT cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành đề xuất Chính phủ có cơ chế về vốn đầu tư đối với ngành sản xuất, kinh doanh gỗ. Và hiện nay các địa phương cũng đang đẩy mạnh việc thu hút đầu tư vào ngành này với nhiều cơ chế hỗ trợ đặc thù. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, chất lượng luôn là giải pháp hàng đầu, các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư cho vấn đề này.

Ở thời điểm hiện tại, Bộ NN&PTNT đang triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28-3-2019 của Thủ tướng Chính phủ "Về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu". Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ: Công Thương, Tài chính… thúc đẩy các giải pháp ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, kiểm soát chặt chẽ gỗ nhập khẩu, đặc biệt là nguồn gỗ tiềm ẩn rủi ro về nguồn gốc bất hợp pháp. Đồng thời, tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường xuất khẩu…

Để duy trì ổn định đà tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng của ngành hàng gỗ và lâm sản, rõ ràng còn nhiều việc phải làm.

Ngành Nông nghiệp phấn đấu kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ năm 2019 đạt 11 tỷ USD, năm 2020 đạt từ 12 đến 13 tỷ USD, năm 2025 đạt từ 18 đến 20 tỷ USD. Đồng thời từng bước tăng tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm được chế biến sâu có thương hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ: Nâng chất lượng, giữ đà tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.