Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh nghiệm đối phó lừa đảo online

Thanh Hiền| 10/09/2019 07:36

(HNM) - Cuối tháng 8 vừa qua, cộng đồng mạng đã phát giác mánh khóe lừa đảo của tài khoản “phukiengiasi.cf” trên sàn thương mại điện tử Shopee bán các sản phẩm giá rẻ; đồng thời, thông báo về tài khoản này tới Shopee. Nhưng đến ngày 4-9, tài khoản "phukiengiasi.cf" mới bị khóa trên Shopee. Điều này đồng nghĩa với việc vẫn có thêm khách hàng bị tài khoản này lừa đảo do Shopee chậm xử lý cửa hàng vi phạm.

Thực tế, hình thức lừa đảo nói trên không còn mới. Người mua bị lừa đảo không chỉ trên Shopee, mà còn xảy ra ở nhiều trang như Sendo, Lazada. Đáng nói, cách thức lừa đảo này khá đơn giản. Cụ thể, trên trang Shopee, có những cửa hàng online (trực tuyến) thường rao bán sản phẩm với dòng mô tả hấp dẫn: "Xả kho", "giảm giá hàng chính hãng"… với giá bằng 1/3 giá gốc để “hút” khách. Sau khi nhận được đơn hàng, các cửa hàng này treo đơn hàng trên Shopee. Hàng không được Shopee xác nhận, nhưng vẫn được giao tới địa chỉ đã đặt bằng dịch vụ vận chuyển thứ ba, thay vì sử dụng dịch vụ của các trang thương mại điện tử.

Tuy nhiên, do quy định người mua không được kiểm tra hàng khi chưa thanh toán tiền của nhiều trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee… được áp dụng từ tháng 3-2019, người mua dễ nhận phải hàng kém chất lượng, thậm chí còn bị tráo sản phẩm. Các trang thương mại điện tử cũng không thể hỗ trợ các trường hợp này do hệ thống không ghi nhận bất kỳ giao dịch mua hàng, hay thông tin của người tiêu dùng bị thiệt hại.

Được biết, cơ quan chức năng đã tiến hành rà soát Nghị định 52/2013/NĐ-CP Về thương mại điện tử, bổ sung và điều chỉnh các nội dung không còn phù hợp, sớm khắc phục "lỗ hổng" về chính sách, qua đó đưa các cơ chế mới vào kiểm soát, truy xuất hoạt động thương mại điện tử, gắn trách nhiệm của chủ sàn thương mại điện tử. Trước mắt, một kinh nghiệm đối phó nguy cơ bị lừa đảo là khách hàng nên cài các phần mềm Shopee, Sendo, Lazada… để theo dõi tình trạng đơn hàng. Nếu đơn hàng ở trong trạng thái đã bị hủy, hoặc chưa ở trạng thái đang giao, nhưng có người gọi đến nhận hàng thì cần từ chối thanh toán; cảnh giác với những trang web, tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo sản phẩm, dịch vụ với giá rất thấp, hoặc khuyến mãi lớn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm đối phó lừa đảo online

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.