Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội để doanh nghiệp bán lẻ Việt bứt phá

Thanh Hiền| 24/09/2019 07:55

(HNM) - Thời gian qua, hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập của các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đã khiến các doanh nghiệp bán lẻ “nội” không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, với những diễn biến trên thị trường bán lẻ hiện nay cho thấy, các doanh nghiệp bán lẻ “nội” đang có nhiều lợi thế, cơ hội để bứt phá, giành lại thị phần.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị VinMart. Ảnh: Khuê Diệp

Doanh nghiệp bán lẻ Việt  "phủ sóng"

Từ ngày 1-9, trang Fanpage Siêu thị VinMart trên Facebook đã thông báo chuỗi siêu thị Queenland Mart (thuộc Công ty cổ phần Thực phẩm Bông Sen) chính thức sáp nhập vào hệ thống VinMart, nâng tổng số điểm bán thành 120 siêu thị trên toàn quốc. Tính cả VinMart+, Tập đoàn Vingroup hiện sở hữu chuỗi siêu thị đồ sộ lên tới 2.122 điểm. Việc liên tục triển khai các sự kiện mua bán, sáp nhập đã giúp hệ thống phân phối bán lẻ của VinMart phủ sóng đến khắp các khu dân cư, chiếm lĩnh thị trường và phục vụ người tiêu dùng.

Cùng với VinMart, cuối tháng 6-2019, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cũng tuyên bố đã mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị của hệ thống Auchan (Pháp) khi hệ thống này rút khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam. Ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op cho biết, từ nay đến cuối năm, Saigon Co.op sẽ phát triển thêm khoảng 300 điểm bán mới, nâng tổng số điểm bán trên cả nước lên 1.000 điểm. 

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, chuỗi bán lẻ hiện đại của các nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 16%, trong khi các nhà bán lẻ hiện đại trong nước chiếm 84%. Như vậy, kênh bán hàng của doanh nghiệp trong nước vẫn chiếm đến 3/4 thị phần bán lẻ hiện nay. Dù hệ thống bán lẻ của các doanh nghiệp “nội” chủ yếu chiếm lĩnh ở mô hình siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi… song mô hình này lại ngày càng có xu hướng phát triển mạnh ở Việt Nam. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp "nội" giành lại thị phần, bứt phá trong thời gian tới.

Nhận định về vấn đề này, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, sự phát triển của VinMart, Saigon Co.op… không chỉ có ý nghĩa trong việc mở rộng thị phần bán lẻ của kênh phân phối Việt, mà còn giúp hình thành nên các tập đoàn, doanh nghiệp bán lẻ lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường; đồng thời, tạo ra quy chuẩn để nâng cao chất lượng của các sản phẩm Việt, đặc biệt là nông sản.

Cần cơ chế hỗ trợ

Giai đoạn 2019-2020 được đánh giá là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ trong nước. Đây cũng là thời điểm mà sự cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn giữa các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài, giữa kênh bán hàng hiện đại và truyền thống, đòi hỏi doanh nghiệp bán lẻ phải nỗ lực hơn để giành thị phần.

Đánh giá về những cơ hội của các doanh nghiệp bán lẻ "nội", Tiến sĩ Lê Huy Khôi, Trưởng ban Nghiên cứu dự báo thị trường của Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng: "Các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam có thể không bằng được doanh nghiệp "ngoại" về vốn và quy mô. Nhưng phần lớn người tiêu dùng Việt vẫn thích cách mua sắm nhanh, tiện lợi, do đó việc lựa chọn điểm đông dân cư, phát triển thị trường "ngách" là một lựa chọn khôn khéo đối với các doanh nghiệp bán lẻ Việt".

Theo Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam gia nhập sâu rộng với thị trường thế giới, để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp bán lẻ “nội”, rất cần các cơ quan chức năng tập trung vào những khía cạnh liên quan tới quy định pháp luật về mở cửa thị trường, cam kết đầu tư và hỗ trợ trực tiếp cho ngành bán lẻ nội địa. Cụ thể, tập trung tháo gỡ các vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng, khuyến khích các tổ chức tài chính cho vay kinh doanh bán lẻ, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như các loại thuế khác…

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG (Tập đoàn BRG) cho rằng, cạnh tranh của các nhà bán lẻ Việt trong cuộc đua với các đại gia nước ngoài hiện không chỉ dừng lại ở giá, mà cần phải hướng tới việc nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh… để có thể giữ vững được thị phần, không bị đối thủ ngoại “lấn sân”.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, để đáp ứng yêu cầu quản lý trong bối cảnh mới, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2018/NĐ-CP (ngày 15-1-2018) quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thay thế Nghị định số 23/2007/NĐ-CP (ngày 12-2-2007).

Theo đó, Nghị định số 09/2018/NĐ-CP củng cố, hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp lý nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động phân phối bán lẻ của doanh nghiệp nước ngoài, nhất là các hoạt động lập cơ sở bán lẻ, phát triển chuỗi bán lẻ của đối tượng này từ việc mở rộng phạm vi quản lý theo nhà đầu tư, tên, nhãn hiệu…

Ngoài ra, Bộ Công Thương tích cực triển khai Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp mạng lưới phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020. Trong quá trình triển khai đề án này, Bộ Công Thương tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp phân phối nước ngoài trở thành đối tác chiến lược quan trọng của đề án, nhằm hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hướng dẫn và đồng hành cùng các doanh nghiệp, các nhà sản xuất trong nước qua các chương trình phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đủ chất lượng để tham gia vào mạng lưới phân phối ở cả trong nước và nước ngoài....

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội để doanh nghiệp bán lẻ Việt bứt phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.