Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chậm do nhiều vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách

Hà Linh| 26/09/2019 11:34

(HNMO) - Ngày 26-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu... 

Điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng tham dự.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đầu tư công thời gian qua đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, chiếm khoảng 10,7% giá trị GDP, tương đương 32% vốn đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, gây nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, kéo lùi việc huy động các dòng vốn khác, gây lãng phí. Đồng thời, tăng nợ, giảm uy tín, ảnh hưởng đến doanh nghiệp...

Hiện, 31 bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới 50% kế hoạch được giao. Do đó, cần phải làm rõ hơn nguyên nhân của thực trạng này, tại sao có những đơn vị thực hiện được, nhưng lại có những nơi không đạt yêu cầu? Thủ tướng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất tại Hội nghị này là phải tìm giải pháp khắc phục, rút kinh nghiệm cho năm nay, để sang năm giải ngân kịp thời hơn, chặt chẽ hơn; kiên quyết cắt vốn, chuyển vốn từ các công trình, dự án của bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để các bộ, ngành, địa phương khác sử dụng có hiệu quả, kịp thời hơn.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đều thừa nhận, công tác giải ngân vốn đầu tư công chậm do nhiều vướng mắc khách quan, cũng như chủ quan như: Công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, việc đấu thầu khó khăn… 

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, 9 tháng qua, cả nước đã giải ngân 192.136 tỷ đồng, đạt 45,17% kế hoạch, trong đó có 7 bộ, ngành đạt mức trên 70%. Tuy nhiên, nhìn chung, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, chưa đạt yêu cầu, có những bộ, ngành chỉ đạt dưới 30% kế hoạch.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của Bộ còn chậm do thực hiện 25 dự án mới hoàn toàn, trong đó có 11 dự án đường cao tốc. Tuy nhiên, Bộ sẽ nỗ lực triển khai để đến cuối năm đạt tỷ lệ giải ngân 95% (những năm trước chỉ đạt khoảng 80%). 

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, năm 2019, nếu chỉ tính trên số dự toán chi đầu tư phát triển được HĐND thành phố quyết nghị, tổng mức vốn kế hoạch đầu tư năm là 47.338 tỷ đồng, trong đó cấp thành phố thực hiện 26.215 tỷ đồng, cấp quận, huyện là 21.172 tỷ đồng… Đến ngày 15-9, toàn thành phố đã giải ngân vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2019 được 14.175 tỷ đồng. Do còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên tiến độ giải ngân còn chậm.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố yêu cầu các cấp, ngành tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Trong đó, Giám đốc các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình chuyên ngành cấp thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã… hằng tuần giao ban kiểm điểm, kiểm soát tiến độ triển khai từng dự án công trình, xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết và giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc…

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư bảo đảm điều kiện bố trí vốn thực hiện khởi công mới năm 2020. Cùng với đó là khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng của dự án để tổ chức đấu thầu, khởi công xây dựng 71/137 công trình thuộc nhóm khởi công mới năm 2019 nhưng chưa khởi công; tập trung thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ thi công xây lắp các công trình đang thi công, hoàn chỉnh hồ sơ thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước…

Sau khi nghe báo cáo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những biện pháp quyết liệt của thành phố và đề nghị Hà Nội tiếp tục phát huy những cách làm này, phấn đấu cuối năm hoàn thành 95% kế hoạch giải ngân đã đề ra.

Cũng tại hội nghị, lãnh đạo của một số ngành, cũng như các thành viên Chính phủ đã nêu rõ những vướng mắc, cũng như đề xuất giải pháp để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. 

Theo đồng chí Tạ Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước, tình hình giải ngân còn chậm tại một số địa phương trọng điểm như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh do tổng số vốn được tạm ứng khá cao. Về phía hệ thống kho bạc, sẽ tăng cường thủ tục cải cách hành chính, thanh toán trước, kiểm soát sau, giảm thời gian duyệt giải ngân từ 7 ngày xuống 3 ngày làm việc...

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh bổ sung nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công là do việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền còn chồng chéo, nên nhiều dự án chờ đợi nhau.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, nguyên nhân tình trạng này trước hết là do bất cập của công tác giao vốn, việc lập kế hoạch sử dụng vốn đầu tư công mới dựa vào tổng mức đầu tư, chưa dựa vào kế hoạch sử dụng vốn của từng dự án. Pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng còn nhiều bất cập, ảnh hưởng công tác thẩm định, phê duyệt, thiết kế, bồi thường giải phóng mặt bằng… 

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, nhiều nơi yếu kém. Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền, gắn trách nhiệm của cá nhân vào từng dự án. 

Ảnh: TTXVN

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương, những nỗ lực của các đơn vị trong việc cải thiện tình hình. Tuy nhiên, việc giải ngân chậm cần tiếp tục được tháo gỡ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, ngoài tiến độ phải chú ý đến chất lượng công trình, không được làm dối, làm ẩu; nêu cao tinh thần trách nhiệm của các đơn vị đầu tư, giám sát công tác đầu tư. Các bộ, ngành, địa phương phải coi đây là nhiệm vụ tập trung xử lý, đồng thời chuẩn bị tốt hơn cho năm 2020 và giai đoạn 2021-2025.

Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần thống nhất cao quan điểm chỉ đạo tập trung thực hiện đồng bộ, kiên quyết, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2019; đồng thời xử lý kịp thời đối với những vi phạm, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện; xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức gây chậm trễ trong công tác giải ngân vốn đầu tư công...

Xác định vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các cấp, ngành chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện, nỗ lực để giải ngân tối đa số vốn được giao. Đối với những dự án trọng điểm, cấp bách, như: Dự án sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam…, chính quyền các địa phương cần quyết liệt hơn nữa; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, tránh tình trạng đổ lỗi giữa các cơ quan, đơn vị.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương, trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, có văn bản hướng dẫn thực hiện các luật mới để các bộ, ngành khác thực hiện được thuận lợi hơn, báo cáo Thủ tướng trước ngày 10-10-2019 để điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chậm do nhiều vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.