Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ: Phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin

Thanh Hiền| 08/10/2019 07:27

(HNM) - Tình trạng hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng phức tạp và khó xử lý khiến không ít doanh nghiệp phải chịu nhiều thiệt hại cả về uy tín thương hiệu và doanh thu. Để công tác chống hàng giả đạt hiệu quả cao hơn, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan và sự chủ động chia sẻ thông tin của mỗi doanh nghiệp.

Đội Quản lý thị trường số 14 kiểm tra, thu giữ hàng nghìn sản phẩm giả mạo thương hiệu nổi tiếng.

Truy quét tận gốc

Theo Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra rất phức tạp, đa dạng với hầu hết các loại hàng hóa... Thời gian qua, các lực lượng chức năng của thành phố liên tục phát hiện, bắt giữ số lượng lớn hàng giả, hàng có dấu hiệu vi phạm, giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Ông Dương Ngọc Viện, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết, tập trung kiểm tra 7 cơ sở kinh doanh tại chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) - một trong những chợ đầu mối lớn nhất miền Bắc, Đoàn kiểm tra phát hiện, thu giữ 2.670 sản phẩm giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như kính mắt giả nhãn hiệu Dior, Chanel, Gucci; đồng hồ giả nhãn hiệu Hublot; quần áo giả nhãn hiệu Christian Dior, Nike, Adidas, Louis Vuitton...

Tổng giá trị hàng hóa vi phạm buộc tiêu hủy ước hơn 1 tỷ đồng. Đa phần sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng nói trên đã được các hãng đăng ký bảo hộ tại thị trường Việt Nam.

Theo bà Samantha NG - Quản lý cấp cao về bảo vệ thương hiệu các sản phẩm thời trang và sản phẩm da của Tập đoàn Moet Hennessy - Louis Vuitton tại châu Á, một sản phẩm áo mang thương hiệu Christian Dior chính hãng có giá khoảng 600 Euro (tương đương khoảng 15 triệu đồng).

Tuy nhiên, mỗi sản phẩm quần áo mang thương hiệu áo Christian Dior được chủ cơ sở kinh doanh tại chợ Ninh Hiệp bán ra với giá từ 60.000 đồng đến hơn 100.000 đồng/sản phẩm.

Không chỉ quần áo bán tại chợ Ninh Hiệp, mặt hàng đồng hồ với đủ các thương hiệu còn được bán theo... ki lô gam. Một ki lô gam đồng hồ các loại có giá từ vài trăm đồng đến hơn 1 triệu đồng. Tính ra một chiếc đồng hồ dao động từ vài chục nghìn đồng đến khoảng 100.000 đồng. Trong khi đó, giá trung bình của một chiếc đồng hồ Thụy Sỹ mang các thương hiệu như: Hublot có giá khoảng 17.000 Euro (tương đương hơn 428 triệu đồng), Zenith giá khoảng 8.000 Euro (khoảng 201 triệu đồng) và Tag Heuer có giá khoảng 2.300 Euro (khoảng 57,9 triệu đồng).

Chia sẻ lo ngại từ phía người tiêu dùng, chị Nguyễn Thu Hà (số 5 ngõ 23 phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng) cho biết, hầu hết sản phẩm của các hãng có uy tín, thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái. Nhưng, đáng lo ngại nhất là các loại hàng giả như bếp ga, lò vi sóng, quạt điện, tủ lạnh, máy giặt... dễ gây nguy hiểm đến tính mạng người tiêu dùng, vì các thông số kỹ thuật không bảo đảm.

Doanh nghiệp cần vào cuộc

Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại cho rằng, để công tác chống hàng giả đạt hiệu quả cao hơn, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan. Các bộ, ngành chức năng cần có biện pháp quản lý kinh doanh nhập khẩu, nhất là qua đường biên giới để hạn chế thấp nhất các loại hàng giả, hàng nhái đưa vào thị trường nội địa; đồng thời, có chế tài xử phạt đủ sức răn đe, trường hợp nghiêm trọng cần truy cứu trách nhiệm hình sự. Đặc biệt, sự hợp tác và phối hợp của người tiêu dùng là yếu tố rất cần thiết trong việc đấu tranh, phát hiện và xử lý loại hàng hóa này.

Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực vào cuộc của lực lượng chức năng, thì một trong những giải pháp được xem là “gốc” của nhiệm vụ đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái là các doanh nghiệp phải chủ động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Về phía doanh nghiệp, ông Laurant Marcadier, Giám đốc Bảo vệ tài sản và con người của Tập đoàn Moet Hennessy - Louis Vuitton chia sẻ: “Các doanh nghiệp không thể một mình đơn độc chiến đấu chống lại mạng lưới phạm pháp, đặc biệt trong vấn nạn hàng giả hiện nay. Vì vậy, sự hợp tác chiến lược với lực lượng chức năng của các cơ quan nhà nước, cụ thể là Tổng cục Quản lý thị trường là yếu tố then chốt cho thành công này”.

Còn bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, sự phối hợp chặt chẽ, chủ động trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là rất cần thiết và cấp bách trong thời kỳ hội nhập quốc tế và cạnh tranh toàn cầu hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ đạo, những tháng cuối năm 2019, Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; tập trung vào tụ điểm, ổ nhóm, xử lý tận gốc các đường dây hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ: Phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.