Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước

Hà Linh – Thanh Hiền| 16/10/2019 11:25

(HNMO) - Sáng 16-10, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp; cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, địa phương và đại diện lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, từ năm 2016 đến tháng 6-2019, cả nước đã cổ phần hóa 162 doanh nghiệp, với tổng quy mô vốn Nhà nước được xác định lại là 205.433,2 tỷ đồng, bằng 108% tổng giá trị vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa của cả giai đoạn 2011-2015. Số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt 218.255 tỷ đồng, gấp 2,8 lần tổng thu từ cổ phần hóa và thoái vốn giai đoạn 5 năm trước đây.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.

Riêng đối với công tác cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, Chính phủ đã phê duyệt và thực hiện hiệu quả hơn, bảo đảm minh bạch và công khai hơn. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp, tổng công ty chậm đổi mới. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn còn nhiều vướng mắc. Một số bộ, ngành, địa phương trọng điểm còn chậm trong cổ phần hóa, trong đó có Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Việc đăng ký, giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán chưa nghiêm túc, đầy đủ...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành xem xét lại việc sắp xếp và phương án phê duyệt cổ phần hóa, phương án sử dụng đất đai trước cổ phần hóa. Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp cần làm rõ cơ sở pháp lý của một số văn bản, rà soát toàn bộ đất đai của các công ty mẹ, công ty con của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước.

Mới có 36 doanh nghiệp trong danh mục của Chính phủ thực hiện cổ phần hóa

Báo cáo về cổ phần hóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, lũy kế giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9-2019, đã có 168 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong 168 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, mới có 36 doanh nghiệp thuộc Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, đạt 28% kế hoạch. Số liệu trên cho thấy, tình hình thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ còn rất chậm.

Nguyên nhân khách quan của tình trạng chậm cổ phần hóa là do quy mô thị trường chứng khoán trong nước chưa đủ lớn, khó hấp thụ hết toàn bộ số vốn mà doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa. Các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại giai đoạn này hầu hết là các doanh nghiệp lớn hoặc là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích...

Trong quá trình tổ chức thực hiện, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc. Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp; chưa công khai minh bạch, bảo đảm nguyên tắc thị trường...

Về phía doanh nghiệp, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cho biết, việc xử lý tài sản, đặc biệt là đất đai tại doanh nghiệp rất khó khăn, khiến quá trình sắp xếp đất đai đến cuối năm nay gần như là "nhiệm vụ bất khả thi", chưa nói tới hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa. Với quy trình sắp xếp đất đai lòng vòng như hiện nay, rất khó có thể hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa, cũng như thoái vốn tại 19 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty trong năm 2019.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng, cần tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa các nghị quyết của Trung ương. Ngoài ra, cần cải tiến cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan trung ương cho hài hòa, thống nhất, tháo gỡ khó khăn về thủ tục đất đai, ngân hàng. Vấn đề nữa là đổi mới quản trị theo kinh tế thị trường và phương pháp quản lý hiện đại theo chuẩn mực quốc tế nhưng phải phù hợp với điều kiện chính trị và văn hóa Việt Nam... Cần trao quyền tự chủ trong kinh doanh của doanh nghiệp nhiều hơn để phát huy tính sáng tạo, cạnh tranh bình đẳng như các thành phần kinh tế khác nhưng vẫn phải kiểm soát quyền lực.

Mỗi tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước luôn có vai trò quan trọng trong xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Sự lớn mạnh của các tập đoàn là kỳ vọng của Đảng và Nhà nước ta, không chỉ để giải quyết các thách thức phát triển kinh tế - xã hội mà còn là ngọn cờ bảo vệ đường lối kinh tế mà chúng ta đang đặt ra trong quá trình chiến lược phát triển của đất nước.

Việc thực hiện chủ trương cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp nhà nước đến nay đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cải thiện hơn, tạo nguồn thu lớn cho Nhà nước, tạo việc làm cho xã hội. 

Hiện nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thực hiện tái cơ cấu thành công như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội (Viettel), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tổng công ty Viễn thông MobiFone... Các doanh nghiệp nhà nước cũng chú trọng ứng dụng công nghệ, nhất là các doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những tồn tại trong hoạt động của doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đó là, hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn thấp, thu hút vốn đầu tư phát triển mới thấp hơn khu vực ngoài nhà nước, còn nhiều vấn đề trong thoái vốn, đào tạo cán bộ; vai trò của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước chưa cao, chưa quyết liệt...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cần đổi mới kịp thời hơn, khẳng định vai trò tiên phong. Trước hết, cần nâng cao năng lực quản trị nhà nước, bộ máy điều hành, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Tiếp đó là đi đầu trong nghiên cứu phát triển đổi mới công nghệ, để mỗi tập đoàn, tổng công ty phải là một trung tâm đổi mới.

Phải chủ động hơn nữa trong hội nhập, vươn ra cạnh tranh quốc tế, vai trò chủ đạo của các tập đoàn là lấy thị trường nội địa làm trọng tâm, làm bàn đạp để vươn mình hội nhập kết nối với chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước điều hành, nhưng phải có cơ chế quản lý không để nảy sinh những bất cập mới.

Đồng thời, phải khắc phục được những thất bại của thị trường, góp phần kiến tạo nền tảng phát triển ở những địa bàn khó khăn; quan tâm đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn mà tư nhân không muốn đầu tư và những lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến an ninh, quốc phòng; góp phần tích cực trong cơ cấu lại nền kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường...

Giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, Thủ tướng nêu rõ, cần rà lại hệ thống luật pháp, đề xuất hoàn thiện, tạo quyền chủ động lớn hơn, trách nhiệm rõ ràng hơn cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết,  hướng dẫn thi hành các nghị định nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh...

Riêng trong giai đoạn 2019-2020, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành báo cáo Chính phủ sớm để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, không để chậm trễ như thời gian vừa qua.

Thủ tướng tin tưởng, thời gian tới, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có những bước tiến mới tốt hơn, hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.