Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam phải do Nhà nước nắm giữ 100% vốn

Bảo Hân| 22/10/2019 12:05

(HNMO) - Các nội dung quy định về Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam tại dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại hội trường của kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, sáng 22-10.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Trước khi các đại biểu thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu tại kỳ họp thứ bảy và ý kiến các đoàn đại biểu về dự án luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. 

Về mô hình và tổ chức của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, tiếp thu ý kiến các đại biểu, để bảo đảm tính thống nhất, giảm đầu mối quản trị, điều hành và minh bạch, rõ ràng trong áp dụng quy định của pháp luật, dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ có một sở giao dịch chứng khoán, là đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán; sửa đổi tên gọi từ Sở Giao dịch chứng khoán thành Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam tại các điều, khoản liên quan. 

Đây là doanh nghiệp rất đặc thù nên cần được quy định cụ thể trong luật về thẩm quyền thành lập, quyền hạn và nghĩa vụ cơ bản. Mặt khác, những biến động về thị trường tại Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tiền tệ của quốc gia.

Do vậy, để bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chỉ đạo, chi phối, khoản 1 Điều 42 của dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của luật này và Luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) nhất trí cao với tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật trước khi thông qua. Theo đại biểu, việc tiếp thu đã thể hiện sự cầu thị, tiếp cận với thực tiễn vận hành thị trường chứng khoán thời gian qua. 

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau).

Tuy nhiên, đại biểu Đoàn Cà Mau cho rằng, các quy định trong dự thảo luật về mô hình tổ chức thị trường chứng khoán chưa đầy đủ, chưa tạo được khuôn khổ pháp lý cho Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam tổ chức và vận hành với tư cách là một doanh nghiệp như mục tiêu đặt ra.

Đại biểu góp ý cụ thể, Điều 42 và Điều 45 dự thảo luật có đề cập quyền và nghĩa vụ của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam nhưng mới chỉ quy định quyền và nghĩa vụ của các "công ty mẹ”, trong khi đơn vị này hoạt động theo mô hình “công ty mẹ - con” . Do đó, cần rà soát quy định Điều 42 và Điều 45 theo hướng, trao cho Thủ tướng Chính phủ quyền quy định về nghĩa vụ và quyền hạn của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam để bảo đảm tính nhất quán của thị trường đặc biệt này. 

“Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam phải hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên và 100% vốn ngân sách nhà nước chứ không nên quy định Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết” - đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị. Theo đại biểu, Sở nên được hình thành dưới hình thức công ty mẹ - con với các chức năng được Thủ tướng Chính phủ quy định, hướng dẫn chi tiết. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội).

Đồng quan điểm, đại biểu Đoàn Hà Nội Hoàng Văn Cường cho rằng, nội dung cụ thể về thành lập công ty mẹ, công ty con như thế nào sẽ giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết. 

Phát biểu giải trình làm rõ các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định, ý kiến của các đại biểu có nhiều điểm hợp lý. Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, dự thảo luật sẽ bổ sung nội dung giao Thủ tướng Chính phủ quy định về thẩm quyền phân công, phân cấp quyền và nghĩa vụ của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam cho hai "sở con” hiện nay là Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp cuối phiên thảo luận.

Với góp ý của đại biểu Trần Hoàng Ngân về Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam nên là công ty TNHH một thành viên và 100% vốn ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, đề nghị này là hợp lý. Tuy nhiên, lộ trình cổ phần hóa sắp xếp hai sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thành Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam thực hiện từ nay đến năm 2023, nên trong 5 năm tới chưa thể cổ phần hóa Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, nhất là trong điều kiện thị trường chứng khoán đang có sự sắp xếp, củng cố tổ chức. 

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận, 10 đại biểu đóng góp ý kiến và phát biểu giải trình làm rõ của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã khẳng định, Luật Chứng khoán (sửa đổi) ra đời có sự kế thừa và tiếp nối, không làm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán đang sôi động hiện nay. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nghiêm túc tiếp thu và giải trình, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

Cũng trong sáng nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. 

Theo đó, Nghị quyết quy định về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp (gọi chung là xử lý nợ) đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước, bao gồm tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành.

Về thẩm quyền xóa nợ đối với doanh nghiệp và tổ chức, dự thảo Nghị quyết quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ đối với trường hợp nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 15 tỷ đồng trở lên; Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xoá nợ đối với trường hợp nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 10 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xoá nợ đối với trường hợp nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng; chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định xóa nợ đối với trường hợp nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp dưới 5 tỷ đồng.

Đối với cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình, hộ kinh doanh, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp trên cơ sở hồ sơ đề nghị xóa nợ của cơ quan quản lý thuế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam phải do Nhà nước nắm giữ 100% vốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.