Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường hoạt động quản lý các cụm công nghiệp: Sớm tháo gỡ những vướng mắc

Thanh Hiền| 25/10/2019 06:29

(HNM) - Thời gian qua, sự không thống nhất trong các quy định và thiếu hướng dẫn triển khai của một số văn bản pháp lý khiến Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn. Để tăng cường hoạt động quản lý các cụm công nghiệp, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương khắc phục những tồn tại, bảo đảm hoạt động tại các cụm công nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật, hoàn thành trong quý IV-2019.

Hà Nội sẽ khắc phục những tồn tại, bảo đảm hoạt động của các cụm công nghiệp tuân thủ đúng quy định của Nhà nước và thành phố. Trong ảnh: Một góc Cụm công nghiệp Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Nhiều bất cập

Cụm công nghiệp La Phù (xã La Phù, huyện Hoài Đức) hiện đã lấp đầy 100% diện tích, với 312 doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động sản xuất trong cụm. Tuy nhiên, từ khi có quyết định thành lập (năm 2001) đến nay, công tác quản lý, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng tại cụm công nghiệp này vẫn còn nhiều bất cập.

Ông Nguyễn Hữu Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã La Phù cho biết, mặc dù cán bộ địa chính xã luôn chủ động phối hợp với Đội quản lý trật tự xây dựng kiểm tra, xử lý vi phạm, nhưng do lực lượng này mỏng, nên việc kiểm tra gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm 2019 đến nay, xã đã xử lý hàng chục nhà xưởng vi phạm trật tự xây dựng, nhưng chủ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh thường lợi dụng ngày nghỉ lễ, ban đêm để xây dựng lại công trình.

Ông Nguyễn Quang Triệu (người dân xã La Phù) bày tỏ, nhiều hộ dân nơi đây, để mưu sinh, đã mở xưởng gia công, sản xuất các mặt hàng như găng tay, bánh kẹo… trên đất nông nghiệp mà gia đình họ được giao. Tuy nhiên, do cụm công nghiệp hình thành xen lẫn trong khu dân cư, nên những vi phạm này khó xử lý dứt điểm.

Đây chỉ là một trong những trường hợp vướng mắc điển hình trong việc quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, nhất là với những cụm công nghiệp có vị trí nằm xen lẫn trong khu dân cư. Theo ông Đàm Tiến Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, thành phố có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, được hình thành trước khi Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25-5-2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp có hiệu lực (ngày 15-7-2017). Đa phần các cụm công nghiệp chưa xây dựng được hạ tầng đồng bộ: 17 cụm công nghiệp nằm xen lẫn trong khu dân cư, nên không có quy hoạch hạ tầng giao thông riêng; 27 cụm công nghiệp chưa có hệ thống thoát nước mưa và nước thải riêng; 44 cụm công nghiệp chưa đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung; 59 cụm công nghiệp chưa có bãi tập kết, phân loại chất thải rắn; hầu hết cụm công nghiệp chưa được đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo quy định...

Để đáp ứng các tiêu chí theo Nghị định 68/2017/NĐ-CP, các cụm công nghiệp này cần được đầu tư đồng bộ để hoàn thiện, chuẩn hóa hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, có 56 cụm công nghiệp do Ban Quản lý dự án cấp huyện làm chủ đầu tư, nguồn vốn cho kết cấu hạ tầng là từ ngân sách nên kinh phí và biên chế sự nghiệp để vận hành rất hạn chế. Trong khi đó, nghị định này quy định doanh nghiệp làm chủ đầu tư được huy động vốn để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhưng việc huy động như thế nào thì chưa có hướng dẫn cụ thể, nên 14 cụm công nghiệp thuộc diện này cũng gặp khó. Ngoài ra, Nghị định 68/2017/NĐ-CP cũng chưa quy định rõ việc bàn giao chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp từ các đơn vị sự nghiệp công lập sang các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng để đầu tư mở rộng...

Mặt khác, do phê duyệt tại các thời điểm khác nhau, nên mặc dù có nhiều cụm công nghiệp đã nằm trong quy hoạch, nhưng khi triển khai thành lập cụm theo Nghị định 68/2017/NĐ-CP lại “vướng” vào một phần diện tích đất không phải của cụm công nghiệp, hoặc mục đích sử dụng đất chưa được cập nhật. Vì vậy, phải làm rõ việc thành lập, mở rộng cụm công nghiệp diễn ra trước hay sau thời điểm có hiệu lực của Nghị định 68/2017/NĐ-CP để điều chỉnh các quy hoạch liên quan, hoặc ngược lại.

Tăng cường phối hợp, siết chặt quản lý

Về những vướng mắc nêu trên, ông Đàm Tiến Thắng đề xuất: Nghị định 68/2017/NĐ-CP quy định cụm công nghiệp có diện tích từ 5 đến 75ha; khu công nghiệp có diện tích từ 75ha trở lên (theo Nghị định 82/2018/NĐ-CP, ngày 22-5-2018, quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế). Trong đó, cả cụm công nghiệp và khu công nghiệp đều là nơi đầu tư hạ tầng kỹ thuật để phát triển công nghiệp. Cụm công nghiệp tuy có quy mô nhỏ hơn, nhưng phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp không hấp dẫn bằng khu công nghiệp. Do đó, cần có chính sách phù hợp và công bằng cho cả hai đối tượng…

Đoàn giám sát Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội kiểm tra tại trạm xử lý nước thải cụm công nghiệp thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng). Ảnh: Vũ Lê

Để thuận lợi trong quản lý, phát triển cụm công nghiệp, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho rằng: "Phạm vi điều chỉnh của Nghị định 68/2017/NĐ-CP khá rộng (lập quy hoạch, dự án đầu tư, giao đất…), liên quan đến nhiều luật ở các lĩnh vực như: Đất đai, đầu tư, xây dựng… Vì thế, các địa phương cần được hướng dẫn thống nhất, thông suốt từ các bộ, ngành trong triển khai nghị định này".

Để tháo gỡ các "điểm nghẽn" này, ngày 11-10-2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn 4517/UBND-KT về "Tăng cường công tác quản lý các cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố". Theo đó, giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan, báo cáo UBND thành phố và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo nhằm giải quyết, khắc phục những tồn tại, vướng mắc, bảo đảm hoạt động của các cụm công nghiệp tuân thủ đúng quy định của Nhà nước và thành phố.

Trả lời phóng viên Báo Hà nộimới, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết, Sở đang xây dựng dự thảo, tham mưu UBND thành phố phê duyệt "Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2023", dự kiến tổng kinh phí thực hiện khoảng 4.075,3 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ kinh phí hoàn thiện hạ tầng (hệ thống xử lý nước thải, bãi tập kết chất thải rắn, hệ thống giao thông nội bộ, tường rào cụm công nghiệp, nhà điều hành…) cho 56 cụm công nghiệp do Ban Quản lý dự án cấp huyện làm chủ đầu tư (khoảng 1.562,7 tỷ đồng); hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp là chủ đầu tư các cụm công nghiệp thành lập mới thuộc địa bàn các huyện khó thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp (Ba Vì, Mỹ Đức) khoảng 36 tỷ đồng...

Sở cũng đang gấp rút nghiên cứu, hoàn thiện, trong quý IV-2019 báo cáo UBND thành phố ban hành "Quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội" giữa các ngành: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường..., làm cơ sở cho việc tăng cường công tác quản lý các cụm công nghiệp của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường hoạt động quản lý các cụm công nghiệp: Sớm tháo gỡ những vướng mắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.