Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ cấu lại nền kinh tế, khuyến khích đổi mới, sáng tạo

Mai Hữu - Bảo Hân| 25/10/2019 06:40

(HNM) - Ngày 24-10, trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch năm 2020, các đại biểu Quốc hội cho rằng trong năm 2020 cần tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đồng thời khuyến khích đổi mới, sáng tạo để có được sự tăng trưởng bền vững.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Đoàn Bình Dương):

Cơ cấu lại nền kinh tế để tăng trưởng bền vững

Trong báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại kỳ họp đều có chung nhận định: Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thực sự vững chắc. Tư duy tăng trưởng từ vốn và lệ thuộc khai thác tài nguyên vẫn chưa được thay đổi nhiều so với chúng ta mong muốn.

Theo tôi, để giữ được mục tiêu tăng trưởng bền vững, thoát được “bẫy” thu nhập trung bình, chúng ta phải tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, tăng tỷ trọng thu nội địa. Ngoài ra, chúng ta phải có chính sách phát triển doanh nghiệp nội địa, tạo ra đội ngũ đủ sức cạnh tranh quốc tế trong các lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ ở giai đoạn Cách mạng công nghiệp 4.0; có những doanh nghiệp tầm cỡ tham gia chuỗi giá trị của Facebook, Google, Amazon, bởi các doanh nghiệp Việt Nam hiện chủ yếu vẫn kinh doanh bất động sản, tham gia một số lĩnh vực có tính chất lợi nhuận không bền vững. Xu hướng phải chuyển sang lĩnh vực có giá trị gia tăng lớn và hàm lượng trí tuệ cao thì mới đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững…

Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): 

Khuyến khích đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế

Nước ta đang sản xuất các công đoạn có giá trị thấp, vì chủ yếu là gia công cho doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, để có thể đột phá hơn nữa trong phát triển kinh tế năm 2020 thì phải thay đổi mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới, sáng tạo.

Theo đó, Chính phủ cần khuyến khích doanh nghiệp, người dân đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế. Trước hết, phải đổi mới về mặt quản lý, về cơ chế để chấp nhận những cách làm mới, không theo quy trình, thủ tục cũ nhưng mang lại hiệu quả cao. Đồng thời phải có chính sách bảo hộ các sáng tạo để tránh tình trạng sao chép, làm nhái, làm giả, thậm chí bị cạnh tranh không lành mạnh. Bên cạnh đó, cần có cơ chế thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ và các lĩnh vực mới...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ cấu lại nền kinh tế, khuyến khích đổi mới, sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.