Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung làm rõ việc xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thuế

Tiến Thành| 01/11/2019 17:38

(HNMO) - Chiều 1-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước và việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Làm rõ đối tượng xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thuế

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu).

Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết phải ban hành các nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) băn khoăn về các biện pháp xử lý nợ, theo đó xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp trước ngày 1-7-2020 sẽ tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp tìm ra khe hở trong thời gian còn lại, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Các trường hợp xóa tiền phạt chậm nộp cần bổ sung hai đối tượng là người bị mất tích và mất năng lực hành vi dân sự sau đó trở về và phục hồi năng lực hành vi dân sự thì các khoản nợ được khôi phục lại nợ gốc và tiền chậm.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) kiến nghị, dự thảo Nghị quyết không thể chỉ xóa nợ thuế đơn thuần mà cần phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc xóa nợ thuế, cơ chế giám sát để việc xóa nợ thuế diễn ra công minh, đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, cũng cần quy định trách nhiệm của cơ quan giám sát đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xóa nợ thuế để ngăn chặn các hành vi trục lợi, cố ý chây ỳ thuế. Đồng thời, phải đưa ra nguyên tắc xử lý nợ trong các trường hợp được khoanh, xóa nhưng về sau phát hiện thấy việc khoanh, xóa nợ không đúng quy định sẽ xóa quyết định xóa nợ đó và yêu cầu truy thu để đảm bảo sức răn đe, ngăn ngừa lợi dụng chính sách để sai phạm.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, cần nghiên cứu và xem xét các đối tượng làm thủ tục giải thể, phá sản nhưng lại có thể thành lập lại doanh nghiệp với tên khác và do người của họ đứng tên, điều này không dễ phát hiện. “Bởi số tiền được xét xóa nợ tiền phạt, tiền chậm nộp liên quan đến đối tượng này là không nhỏ, chiếm tỷ trọng 96,5% trong tổng số tiền xử lý nợ”, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nói.

Còn đại biểu Mai Hồng Hải (Đoàn Hải Phòng) đặt vấn đề, Luật Quản lý thuế năm 2019 không có thẩm quyền xử lý trước thuế nợ trước 1-7-2020. Vì những khoản phát sinh trước thời điểm này được áp dụng theo luật hiện hành, trong khi Luật Quản lý thuế không thể bao quát hết về thời gian. Bên cạnh đó, cần làm rõ khái niệm “tiền thuế nợ” (bao gồm cả phạt chậm nộp, nợ thuế, phạt vi phạm hành chính) và tiền nợ thuế cần rà soát để hiểu rõ ràng.

Tiếp thu, giải trình về dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, khi Quốc hội ban hành nghị quyết này thì đây là văn bản pháp luật, là cơ sở pháp lý cho việc xử lý nợ, không phải xóa ngay được nợ. Phải căn cứ trên từng đối tượng, từng hồ sơ, đáp ứng đủ các điều kiện thì mới được xem xét. Bộ Tài chính sẽ nghiêm túc tiếp thu và hoàn chỉnh nghị quyết trình Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp.

Xem xét hồi tố truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước

Đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn Đắk Lắk).

Về Tờ trình của Chính phủ cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước, đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn Đắk Lắk) cho rằng, việc chưa thu được tiền cấp quyền là do Chính phủ chậm ban hành nghị định hướng dẫn. Việc xác định nguyên nhân chậm ban hành nghị định như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ cần được xem xét.

“Không thể xem xét nguyên nhân khách quan khi Nghị định số 203/2013/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chậm 2 năm 6 tháng kể từ ngày luật có hiệu lực thi hành; Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước chậm 4 năm 8 tháng kể từ ngày luật có hiệu lực thi hành”, đại biểu nói.

Ngoài ra, về vấn đề hồi tố truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước, đại biểu cho rằng không thể hồi tố truy thu tiền, bởi bản chất vấn đề được nêu trong Tờ trình là hồi tố thực hiện các nghị định chi tiết về hai đạo luật nói trên.

Còn đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Bạc Liêu) đề nghị Chính phủ xem xét rõ có dấu hiệu tham nhũng, trục lợi chính sách hay không và cân nhắc kỹ về khái niệm từ ngữ trong Tờ trình ở việc thu hay không thu, hay là miễn, giảm.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) đề nghị rà soát lại các khoản tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước không thể thu và làm rõ nguyên nhân, số còn lại vẫn thu đủ ngân sách vì đây là khoản thu theo luật định.

Theo đại biểu Nghiêm Vũ Khải (Đoàn Hải Phòng), đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ, cần đánh giá và phân tích kỹ. Nêu lý do về việc này, đại biểu cho biết, hệ lụy về kinh tế của việc chậm ban hành hai nghị định nêu trên là khoảng 5.000 tỷ đồng, cần có đánh giá đầy đủ hơn về mức độ ảnh hưởng của việc chậm ban hành nghị định và trách nhiệm của đơn vị, cá nhân có liên quan trong vấn đề này.   

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Tiếp thu, giải trình về việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, tại thời điểm trình dự án Luật Khoáng sản năm 2010 và Luật Tài nguyên nước năm 2012, hồ sơ trình được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Theo đó, luật này không quy định trong hồ sơ trình dự án luật phải có văn bản quy định chi tiết. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng các luật, việc đánh giá tác động của các chính sách nêu trên đã được thực hiện nhưng còn chưa toàn diện, cụ thể.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, về tài nguyên nước, nếu cho lùi thời hạn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thì người dân được hưởng lợi, bởi đây là thuế thu gián tiếp, doanh nghiệp thu hộ nhà nước và được tính vào tiền điện, nước. Nếu quyết định thu thì sẽ thu được nhưng sẽ có lộ trình để không tác động đột ngột đến giá điện, giá nước của người dân. Việc lùi thời hạn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là hợp lý, bởi Luật Khoáng sản không quy định về hồi tố mà chỉ quy định việc thu dựa trên toàn bộ trữ lượng đánh giá nên không ảnh hưởng đến việc lùi 1-2 năm thời hạn thu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, 18 đại biểu phát biểu ý kiến, 3 đại biểu tham gia tranh luận với tinh thần thẳng thắn, sôi nổi, chất lượng. Các đại biểu tập trung thảo luận về một số vấn đề như có đồng ý xóa nợ thuế, có đồng ý lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai khoáng sản và khai thác tài nguyên nước. Các ý kiến của các đại biểu sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung làm rõ việc xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thuế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.