Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phương án 5 bậc trong biểu giá bán lẻ điện Việt Nam là phù hợp

Thanh Hải| 05/11/2019 14:24

(HNMO) - Sáng 5-11, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý về đề án “Nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam”.

Tại hội thảo, PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Bộ môn Kinh tế Năng lượng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ nhiệm đề án đã nêu 3 phương án cải tiến biểu giá điện bậc thang, gồm: 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc.

Cụ thể, phương án 3 bậc thang: Bậc 1 từ 0-100kWh/tháng, bậc 2 từ 101-400kWh/tháng và bậc 3 từ 401kWh/tháng trở lên; phương án 4 bậc thang: Bậc 1 từ 0-100kWh, bậc 2 từ 101-300kWh; bậc 3 từ 301-600kWh và bậc 4 từ 601kWh trở lên; phương án 5 bậc thang: Bậc 1 từ 0-100kWh, bậc 2 từ 101-200kWh; bậc 3 từ 201-400kWh; bậc 4 từ 401-700kWh và bậc 5 từ 701kWh trở lên.

PGS.TS Bùi Xuân Hồi khẳng định, cả 3 phương án đều không gây tác động nhiều đến hộ tiêu dùng, xã hội.

Theo đề án, phương án 3 bậc, khi triển khai sẽ đơn giản hơn 4 bậc và 5 bậc, nhưng với phương án này, hộ có sản lượng điện tiêu thụ từ 101-200kWh/tháng sẽ trả chi phí tăng nhiều nhất.

"Phương án 5 bậc phù hợp nhất với các mục tiêu định giá, trong đó, hộ tiêu dùng bậc từ 101-200kWh/tháng (hộ tiêu dùng phổ biến, lớn nhất hiện nay) chịu tác động ít nhất trong 3 phương án. Hơn nữa, việc chia nhiều bậc thang dùng điện sẽ phù hợp hơn với đặc điểm tiêu dùng hiện nay", PGS.TS Bùi Xuân Hồi nhận định.

Tại hội thảo, GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, giá bán lẻ điện có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng tới các hộ tiêu thụ điện và tới doanh thu của doanh nghiệp điện lực. Việc gộp các bậc trong biểu giá điện như đề xuất là hợp lý vì chênh lệch 2 bậc trong biểu giá 6 bậc cũ không quá nhiều. Đồng thời, việc lựa chọn phương án nhiều bậc (5 bậc thay vì 3 hay 4 bậc) cũng bảo đảm được ý đồ của biểu giá bậc thang: Dùng càng nhiều giá càng cao.

Còn theo ông Trần Văn Bình, Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội, giá điện tùy thuộc nhiều yếu tố. Nếu mưa nhiều, thủy điện sẽ nhiều, giá thành thấp; ngược lại, hạn hán thì ngành điện phải huy động nhiệt điện dầu và phải trả chi phí sản xuất cao, có thể tăng giá. Như vậy, mức giá điều chỉnh có tăng, giảm, tùy theo các yếu tố đầu vào. Nếu làm được như vậy, sẽ minh bạch hơn, mỗi kỳ điều chỉnh nhỏ ở mức 3-5%. Từ đó, các hộ tiêu dùng có thể điều chỉnh được hành vi sử dụng điện....

Theo các chuyên gia, giai đoạn sắp tới với lộ trình cải tổ ngành điện, cần tiếp tục thực hiện các nghiên cứu dài hạn hơn các biểu giá mà nền tảng phải là biểu giá 2 thành phần (phần cố định và phần tiêu thụ) cho các đối tượng khách hàng, nghiên cứu áp dụng thử nghiệm và tiến tới thay thế biểu giá 1 thành phần  (giá sản xuất) cho các hộ tiêu dùng theo lộ trình phù hợp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phương án 5 bậc trong biểu giá bán lẻ điện Việt Nam là phù hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.