Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sở Tài chính Hà Nội thông tin về cơ sở xác định giá nước sạch sông Đuống

Dạ Khánh| 12/11/2019 18:58

(HNMO) - Hà Nội chưa phải chi ngân sách trợ giá cấp nước sinh hoạt - đây là khẳng định của Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Việt Hà tại hội nghị giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 12-11.

Liên quan đến việc UBND thành phố chấp thuận tạm tính giá nước sạch cho Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống được bán là 10.246 đồng/m3, cao hơn giá nước sạch bán cho người dân, thậm chí cao hơn giá bán bình quân của các đơn vị kinh doanh nước sạch khác, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà đã thông tin về cơ sở xác định giá nước sạch sông Đuống.

Ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội thông tin tại hội nghị giao ban báo chí.

Cụ thể, theo Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11-7-2007 của Chính phủ, để có căn cứ cho nhà đầu tư lập, thực hiện dự án, UBND thành phố đã có văn bản chấp thuận giá bán nước sạch sông Đuống là giá tạm tính với mức tối đa.

Do đây là điểm chuẩn bị dự án, vì vậy, việc xác định giá được thực hiện trên nguyên tắc tính đủ chi phí sản xuất, giá thành toàn bộ quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ để đơn vị cấp nước duy trì và phát triển trên cơ sở tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật và có mức lợi nhuận hợp lý.

Phần hao phí được tính dựa trên Quyết định 590/QĐ-BXD ngày 30-5-2014 của Bộ Xây dựng về định mức dự toán sản xuất nước sạch và quản lý, vận hành mạng cấp nước; chi phí khấu hao đối với lãi vay được tính trên tổng mức đầu tư được duyệt tại Quyết định 2869/QĐ-UBND ngày 3-6-2016 của UBND thành phố về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Nhà máy Nước mặt sông Đuống. Ngoài ra, còn có các chi phí: Sửa chữa, bảo dưỡng, quản lý doanh nghiệp, bán hàng, tỷ lệ thất thoát nước.

Đồng thời, căn cứ Thông tư liên tịch 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 15-5-2012 của Liên Bộ: Tài chính - Xây dựng - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố đã xác định giá bán tạm tính của nước sạch sông Đuống là 10.246 đồng/m3.

“Đây chỉ là mức tạm tính. Giá cụ thể sẽ được xác định khi Nhà máy đi vào hoạt động và hoàn thành quyết toán. Lộ trình tăng giá, tỷ lệ tăng và mức cụ thể sẽ không vượt quá khung quy định của Bộ Tài chính", ông Nguyễn Việt Hà thông tin.

Liên quan đến giá bán buôn nước sạch của Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống với các đơn vị bán lẻ, Giám đốc Sở Tài chính khẳng định, đến thời điểm này, Hà Nội đang áp dụng duy nhất một mức giá chung là giá tiêu thụ nước sạch đến người sử dụng (theo Quyết định 38/2013/QĐ-UBND và Quyết định 39/QĐ-UBND cùng ban hành ngày 19-9-2013 của UBND thành phố Hà Nội). Giá bán buôn của đơn vị cấp nguồn với đơn vị bán lẻ do các đơn vị tự thỏa thuận, xác định trên cơ sở Nghị định 117/NĐ-CP. Trường hợp không thỏa thuận được, cơ quan chức năng sẽ tổ chức hiệp thương.

Vừa qua, Sở Tài chính cũng đã tổ chức hiệp thương giá bán nước sạch giữa Công ty Nước mặt sông Đuống với hai đơn vị bán lẻ là: Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội (Công ty Nước sạch Hà Nội) và Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội.

Theo báo cáo của Công ty Nước sạch Hà Nội, giá bán lẻ của đơn vị là 9.761 đồng/m3, sau khi trừ đi phần hao hụt, mức giá bán lẻ bình quân là 7.949 đồng/m3. Với Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội, các con số lần lượt là 9.085 đồng/m3 và 7.722 đồng/m3.

Ông Nguyễn Việt Hà cho biết: "Trên nguyên tắc, giá bán buôn không cao hơn giá bán lẻ, liên ngành Sở Tài chính - Xây dựng đã báo cáo UBND thành phố và xác định giá hiệp thương tạm tính là 7.700 đồng/m3. Do vậy, Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống đã bán buôn với mức giá này".

Giám đốc Sở Tài chính khẳng định, UBND thành phố chưa chi ngân sách để trợ giá bán nước cho các đơn vị cung cấp nước sạch. Về phía Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống, hiện đơn vị vẫn chưa quyết toán dự án, nên chưa xác định giá bán nước chính thức và chưa đề nghị UBND thành phố cấp bù.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sở Tài chính Hà Nội thông tin về cơ sở xác định giá nước sạch sông Đuống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.