Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Giải bài toán vốn cho các dự án hạ tầng

Nguyễn Lê| 25/11/2019 08:53

(HNM) - Hiện nhu cầu vốn cho đầu tư các dự án hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh rất lớn. Tuy nhiên, thực tế nhiều dự án chậm tiến độ do ách tắc trong việc giải ngân vốn đầu tư. Để giải bài toán này, thành phố đang xây dựng cơ chế nhằm linh hoạt trong việc huy động, điều phối nguồn vốn.

Cần nguồn vốn “khủng”

Sau 12 năm khởi công, Dự án đường Vành đai 2 vẫn chưa thể hoàn thành. Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dự án trên còn 3 đoạn chưa xây dựng, với tổng vốn đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng. Lâu nay, nguồn vốn cho công trình này được đầu tư một phần từ vốn ngân sách và một phần theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) nhưng rất khó khăn để bố trí, huy động. 

Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng cơ chế để điều phối vốn linh hoạt cho các dự án hạ tầng trọng điểm.

Không chỉ Dự án đường Vành đai 2, các dự án hạ tầng giao thông cửa ngõ, gồm quốc lộ 13, quốc lộ 22, quốc lộ 50, quốc lộ 1 (đoạn qua huyện Bình Chánh) và nút giao thông An Phú (quận 2) trước đây được đề xuất theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) và BT nhưng đều bị ách tắc do thiếu vốn.

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2016-2020, thành phố cần 32.997 tỷ đồng cho 172 dự án giao thông trọng điểm. Còn trong giai đoạn 2021-2025, thành phố cần tới hơn 83.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải, bao gồm nguồn vốn từ ngân sách trung ương (45.161 tỷ đồng) và ngân sách thành phố (37.900 tỷ đồng). Trong số này, có nhiều dự án lớn như: Dự án Đầu tư xây dựng tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương); Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; 4 dự án thành phần thuộc đường Vành đai 3; Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long…

Thời gian qua, nguồn vốn từ ngân sách thành phố được sử dụng từ khoản đầu tư công và theo hình thức đối tác công tư (PPP) có tính chất liên vùng hoặc kết nối với các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác giải ngân từ ngân sách trung ương, ngân sách thành phố hay từ đối tác công tư gặp không ít khó khăn do các quy định của pháp luật còn chồng chéo, thủ tục phức tạp.

Linh hoạt điều phối vốn

Ông Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia về đô thị) cho rằng, hạ tầng giao thông là một trong những lĩnh vực cần nguồn vốn rất lớn. Thế nhưng, lâu nay thành phố vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn vốn đầu tư. Trong khi đó, thành phố chưa khai thác hết được giá trị quỹ đất (nhằm tạo vốn) dọc tuyến đường được đầu tư xây dựng. Chẳng hạn, trước khi thành phố lập dự án đầu tư xây dựng một tuyến đường, phải quy hoạch tổng thể tại dự án cần kêu gọi đầu tư. Thay vì chỉ giải phóng mặt bằng diện tích thuộc dự án, thì tiến hành giải phóng mặt bằng rộng hơn từ quỹ đất hai bên đường, sau đó tổ chức đấu giá các khu đất cho nhà đầu tư. 

Đối với dự án sử dụng vốn từ ngân sách thành phố, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế để triển khai theo hình thức đầu tư PPP. Tại Dự án đường Vành đai 2, trước vướng mắc trong hợp đồng BT, thành phố đã tính toán chuyển các dự án thành phần chưa triển khai sang hình thức đầu tư công.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, quan điểm của thành phố là không có “đất vàng” trong đầu tư theo hình thức BT, mà BT phải gắn liền với quá trình xây dựng dự án của nhà đầu tư. Ví dụ, các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông nếu theo hình thức BT phải sử dụng quỹ đất ven đường. Điều này mới tạo ra giá trị, mới phát huy được công năng của tuyến đường đó.

Đối với dự án sử dụng nguồn vốn từ trung ương (gồm vốn ODA), ông Võ Văn Hoan cho biết, vừa qua UBND thành phố đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất cơ chế UBND thành phố được điều phối nguồn vốn này. Cụ thể, thành phố được xem xét, cân đối khả năng thực hiện dự án, tiến độ giải ngân để điều phối nguồn vốn. Chẳng hạn, Dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) tiến độ nhanh, có khối lượng thi công lớn nhưng nguồn lực bố trí hạn chế; còn Dự án Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) tiến độ chậm, chưa có khối lượng thi công thì cân đối ưu tiên bố trí vốn cho tuyến Metro số 1.

“UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng kiểm kê toàn bộ tiến độ, khối lượng thi công các dự án hạ tầng trọng điểm; tổng kiểm kê toàn bộ nguồn vốn của Trung ương giao cho thành phố, từ đó xây dựng kế hoạch để điều phối vốn cho phù hợp với tình hình thực tế triển khai thực hiện các dự án”, ông Võ Văn Hoan cho hay.

UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đối với nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ dự kiến mức dư nợ của từng năm, bảo đảm mức dư nợ trong hạn mức cho phép. Trường hợp mức dư nợ vượt quá mức cho phép, thành phố sẽ giảm vay, tăng bố trí vốn đối ứng trong nước. Riêng dự toán năm 2020, Bộ Tài chính đã tổng hợp và đang trình cấp có thẩm quyền bố trí cho thành phố vay lại để thực hiện Dự án Metro số 1 hơn 11.254 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Giải bài toán vốn cho các dự án hạ tầng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.