Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng tới phát triển đô thị bền vững

Trung Hiếu| 30/11/2019 07:55

(HNM) - 20 năm qua, tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 23,7% (năm 1999) lên 38,4% (năm 2018). Tuy nhiên, trong quá trình này, các đô thị cũng đối mặt với nhiều thách thức.

Theo bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Tổng Thư ký Diễn đàn Đô thị Việt Nam (VUF), cả nước hiện có 833 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 20 đô thị loại I, 29 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 85 đô thị loại IV, còn lại là đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2018 là 38,4%, dự kiến sẽ vượt 40% vào năm 2020.

Năm 2020, dự kiến tỷ lệ đô thị hóa sẽ vượt 40%. Ảnh: Bá Hoạt

Tăng trưởng kinh tế khu vực đô thị trung bình đạt từ 12% đến 15%, cao hơn từ 2 đến 2,5 lần so với mặt bằng chung của cả nước; khẳng định vai trò tạo động lực phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế, xã hội toàn quốc phát triển.

Tuy nhiên, bà Trần Thị Lan Anh cho biết, trong quá trình này, đô thị Việt Nam cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức, như mô hình tăng trưởng chưa đa dạng; tăng trưởng thiếu bền vững, phụ thuộc vào khai thác tài nguyên; năng lực dự trữ và tầm nhìn dài hạn còn hạn chế.

Bên cạnh đó, hệ thống đô thị phát triển chưa hài hòa, chưa đồng bộ giữa số lượng, quy mô, diện tích và chất lượng; chưa bảo đảm khả năng liên kết trong từng đô thị, giữa các đô thị và giữa khu vực đô thị với khu vực nông thôn. Diện tích đô thị mở rộng nhanh, kéo theo tình trạng sử dụng đất chưa hiệu quả; năng lực hệ thống hạ tầng không đáp ứng nhu cầu của người dân và các hoạt động kinh tế; năng lực và tư duy quản lý đô thị chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo bà Võ Thị Hồng Ánh, Chủ tịch Hiệp hội Các đô thị Việt Nam, chủ yếu là do công tác quy hoạch đô thị chưa đồng bộ và gắn kết với quy hoạch vùng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Mô hình chính quyền đô thị và tổ chức bộ máy chưa phù hợp, chưa đáp ứng với yêu cầu và các đặc trưng đô thị.

Đóng góp ý kiến về chiến lược phát triển đô thị Việt Nam giai đoạn 2021-2030, theo Ngân hàng Phát triển châu Á, Việt Nam có ba chiến lược trọng tâm cần giải quyết gồm: Tăng cường năng lực cạnh tranh kinh tế của các hệ thống đô thị; bảo vệ môi trường đô thị, xây dựng năng lực thích ứng và phát triển hạ tầng tích hợp; nâng cao chất lượng và tính bao trùm trong phát triển đô thị.

Muốn vậy, các chiến lược thực hiện cần cụ thể, như xây dựng chương trình và quy hoạch đô thị hợp tác; khuyến khích huy động nguồn lực đô thị sáng tạo, đổi mới; bồi dưỡng năng lực và nâng cao hiệu quả quản trị đô thị cả về cơ chế, điều hành cũng như thực thi pháp luật.

Còn Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho rằng, để giải quyết bất cập về đô thị, chính quyền các tỉnh, thành phố cần rà soát khâu quy hoạch, kế hoạch thực hiện, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị cho phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Cùng đó, xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển cho hệ thống đô thị và chương trình phát triển cho từng đô thị trực thuộc gắn với phát triển kinh tế, xã hội theo hướng bền vững. Đồng thời, đánh giá việc quản lý dự án và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, dự án đầu tư không hiệu quả, chậm tiến độ.

“Ngoài ra, chủ đầu tư tham gia các dự án phát triển, tôn tạo đô thị phải tăng cường năng lực, sức cạnh tranh và thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội, tuân thủ các quy định pháp luật”, ông Nguyễn Đình Toàn cho biết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới phát triển đô thị bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.