Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa: Lợi ích nhiều phía

Thanh Hiền| 06/12/2019 06:52

(HNM) - Những năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết, mở rộng giao thương với các tỉnh, thành phố. Hoạt động này mang lại lợi ích cho các bên, vừa bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường Hà Nội, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của các tỉnh, thành phố tiếp cận hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại.

Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội về vấn đề này.

Sản phẩm trưng bày tại hội nghị giao thương kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2019. Ảnh: Nguyễn Hoan

- Bà có thể cho biết, chương trình giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong những năm qua được thực hiện như thế nào?

- Với khoảng 10 triệu người đang sinh sống, làm việc và học tập trên địa bàn, nhu cầu tiêu thụ nông sản của thành phố Hà Nội rất lớn, đặc biệt là dịp cuối năm. Nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường Hà Nội, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của các tỉnh, thành phố kết nối với hệ thống phân phối hiện đại; thành phố Hà Nội đã phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo các sở, ngành tổ chức hội nghị giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các địa phương khác.

Từ đầu năm 2019 đến nay, thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn công tác triển khai việc hợp tác với các tỉnh, thành phố, như: Điện Biên, Lai Châu, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Đà Nẵng, Bình Dương... Nhiều loại nông sản, thực phẩm của các địa phương được các sở, ngành Hà Nội hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu, kết nối tiêu thụ tại siêu thị, nhà hàng, khách sạn…; được người tiêu dùng Thủ đô biết, ưu tiên lựa chọn.

- Chương trình kết nối cung - cầu giữa Hà Nội với các địa phương đã mang lại kết quả cụ thể ra sao?

- Trang thông tin nông sản an toàn thành phố Hà Nội (nongsanantoanhanoi.gov.vn) đã hỗ trợ đưa thông tin của 300 đơn vị, hơn 400 điểm bán hàng uy tín, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa Việt Nam. Qua việc kết nối này, các sản phẩm của nhiều tỉnh, như: Bắc Giang, Quảng Ninh, Sơn La, Ninh Thuận... đã đạt doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng tại thị trường Hà Nội. Có 200 nhà cung cấp mới của các địa phương đã tiếp cận, đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối VinMart, Big C, Saigon Co.op Hà Nội, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch… Thực tế, nông dân các địa phương bảo đảm ổn định đầu ra sản phẩm, tăng thu nhập.

Trong giai đoạn 2018-2019, thành phố Hà Nội phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức 24 hoạt động giao thương kết nối sản phẩm nông sản thực phẩm các loại; 19 tuần lễ trái cây, nông sản các địa phương tại Hà Nội; đã có hơn 350 sản phẩm mới được các doanh nghiệp Hà Nội kết nối, tiêu thụ.

- Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp phản ánh, hoạt động kết nối cung - cầu trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là quá trình đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại. Bà nghĩ sao về việc này?

- Mặc dù đã có nhiều chuyển biến, nhưng quy mô sản xuất cũng như năng lực của một số doanh nghiệp, hộ nông dân tại các tỉnh chỉ ở mức nhỏ, sản xuất theo tập quán truyền thống, nên chưa đáp ứng được yêu cầu về thủ tục, chưa bảo đảm chất lượng trong các khâu thu gom, bảo quản, vận chuyển… nên khó đưa vào hệ thống phân phối hiện đại. 

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các địa phương trong việc nắm bắt nhu cầu thị trường để thông tin cho doanh nghiệp chưa kịp thời, dẫn đến một số sản phẩm cung vượt cầu, ảnh hưởng đến giá thành và việc tiêu thụ.

- Thành phố Hà Nội vừa tổ chức thành công hội nghị giao thương kết nối cung - cầu năm 2019 với hơn 50 tỉnh, thành phố. Thông qua đó, khoảng 400 doanh nghiệp tham gia chương trình đã có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm; hợp tác, ký kết các biên bản ghi nhớ cung ứng, tiêu thụ hàng hóa. Bà đánh giá thế nào về chương trình năm nay?

- Hội nghị giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các địa phương năm 2019 là hoạt động cần thiết và có giá trị thực tiễn rất cao. Kết quả đạt được là minh chứng cho sự nỗ lực của các sở, ban, ngành thành phố trong triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tại hội nghị giao thương, kết nối, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các địa phương, trong đó có nhiều đơn vị lần đầu tham dự đã giới thiệu các đặc sản nông sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng mới, chất lượng từ vùng núi phía Bắc cho tới miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long...

Bên cạnh các hoạt động trưng bày giới thiệu sản phẩm, các doanh nghiệp tham dự có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản; cũng như các giải pháp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nhân dịp này, các doanh nghiệp đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ, hợp tác về khai thác tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố; giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối… trước mắt nhằm bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa cho thị trường Hà Nội dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. 

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa: Lợi ích nhiều phía

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.