Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Giải “bài toán” cải tạo chung cư cũ

Trọng Ngôn| 06/12/2019 08:23

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh có gần 500 chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp cần phải tháo dỡ để xây mới. Giải "bài toán" di dời, xây dựng lại chung cư cũ và cũng là để đạt được mục tiêu năm 2020 hoàn thành tháo dỡ các chung cư cấp D (cấp nguy hiểm), thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều giải pháp...

Ì ạch di dời

Đầu năm 2019, gần 40 hộ dân với hơn 150 nhân khẩu sống tại lô E, chung cư 518 Võ Văn Kiệt (phường Cầu Kho, quận 1) đã phải di dời khẩn cấp ngay trong đêm dù Tết Nguyên đán đang cận kề. Trước đó, Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh xác định lô E của chung cư nghiêng 45cm và lún cục bộ 38cm.

Tuy nhiên, đã gần hết năm 2019, việc tháo dỡ vẫn chưa được thực hiện... Giống như chung cư 518 Võ Văn Kiệt, chung cư cũ số 155-157 Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) cũng trong tình trạng xuống cấp... Ông Trần Văn Hùng, cư dân sống lâu năm tại chung cư số 155-157 Bùi Viện cho biết: "Kết cấu bên trong của chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng, rất nguy hiểm, nhưng người dân vẫn phải chung sống".

Lô E, chung cư 518 Võ Văn Kiệt (quận 1) vừa được UBND thành phố chấp thuận chủ trương tháo dỡ và xây dựng mới.

Liên quan tới vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận 6 Huỳnh Minh Hùng cho biết, trên địa bàn quận 6 có 44 chung cư được xây dựng trước năm 1975. Trong đó có 2 chung cư cấp D là chung cư 43 Bình Tây (phường 1) và chung cư 119B Tân Hòa Đông (phường 14), các hộ dân cần sớm phải được di dời để bảo đảm an toàn.

Ông Nguyễn Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thông tin, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, tập trung ở các quận 1, 3, 4, 5, 6, 10, Bình Thạnh và đa số đã xuống cấp, hư hỏng nặng. Theo kế hoạch đến năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh phải giải quyết 50% số chung cư cũ này. Tuy nhiên, trong vòng 10 năm qua, thành phố mới tháo dỡ được 32 chung cư cũ, còn việc cải tạo diễn ra rất chậm.

Theo Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, việc di dời, tháo dỡ chung cư cũ trên địa bàn thành phố gặp không ít khó khăn do nhiều nguyên nhân. Tại nhiều chung cư, cư dân không thống nhất được về phương thức bồi thường cũng như giá trị bồi thường. Người dân muốn được tái định cư tại chỗ nhưng thành phố Hồ Chí Minh không thể chỉ dùng ngân sách nhà nước để cải tạo, xây mới lại những chung cư cũ này. Nếu huy động các nguồn lực xã hội, doanh nghiệp sẽ tính đến lợi nhuận đầu tiên. Và lợi nhuận chỉ có khi doanh nghiệp được xây chung cư cao tầng giữa nội đô. Điều này dẫn đến việc phá vỡ quy hoạch kiến trúc ở nhiều nơi, gia tăng dân số vùng lõi đô thị, vốn đã rất đông đúc.

Tìm giải pháp tổng thể

Để giải quyết những tồn đọng, vướng mắc trong cải tạo, xây mới lại chung cư cũ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết: Với những chung cư dùng ngân sách nhà nước để cải tạo, xây mới, UBND thành phố đề xuất Bộ Xây dựng tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh nội dung của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo hướng, không thỏa thuận bồi thường, chỉ bố trí tái định cư bằng căn hộ. Với những chung cư ở vị trí có thể huy động được doanh nghiệp tham gia cải tạo, xây mới, UBND thành phố Hồ Chí Minh đang giao cho quận 3 làm thí điểm.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến, cách làm trên vừa bảo đảm quyền lợi và sự an toàn của người dân, vừa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp đầu tư, vừa giúp thành phố chỉnh trang đô thị. Hiện tại, các cấp chính quyền quận 3 đang lấy ý kiến rộng rãi của người dân để triển khai 3 dự án chỉnh trang đô thị cấp bách, gồm: Xây dựng khu dân cư - thương mại tại khu vực chợ Nguyễn Văn Trỗi và thay thế 9 chung cư cũ nguy hiểm, hư hỏng nặng; xây dựng khu tái định cư tại phường 11; điều chỉnh quy hoạch, xây dựng chỉnh trang dọc hai bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè…

Đối với những chung cư đã xuống cấp nguy hiểm, thành phố Hồ Chí Minh đã có kế hoạch xử lý ngay. Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thông tin, thành phố đã chấp thuận cho quận 6 sử dụng 128 căn hộ chung cư 243 Tân Hòa Đông (phường 14) để bố trí tạm cư, tái định cư cho các hộ dân tại 2 chung cư nguy hiểm cấp D. Trong tháng 12-2019, Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với UBND quận 6 di dời khẩn cấp 24 hộ dân đang sinh sống tại chung cư 119B Tân Hòa Đông, sau đó tập trung tháo dỡ chung cư...

Đối với lô E, chung cư 518 Võ Văn Kiệt (quận 1), UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chấp thuận chủ trương tháo dỡ và xây dựng mới. Theo đó, thành phố giao Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1 trực tiếp lập phương án tháo dỡ công trình này.

Đối với cụm 8 chung cư thuộc Cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh), UBND thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu Công ty cổ phần Phát triển nhà Thanh Đa (chủ đầu tư dự án) khẩn trương hoàn tất đồ án quy hoạch chi tiết 1/500... 

Tại buổi giám sát về tiến độ thực hiện cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới thay thế chung cư cũ vừa qua, Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Võ Thị Dung đề nghị các sở, ngành, quận, huyện phối hợp chặt chẽ để phấn đấu ngay trong năm 2020, hoàn thành việc tháo dỡ tất cả các chung cư nguy hiểm cấp D, sau đó tiến hành các thủ tục cần thiết để xây dựng mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Giải “bài toán” cải tạo chung cư cũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.