Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Tăng cường sàng lọc, thẩm định

Hồng Sơn| 14/12/2019 07:47

(HNM) - Nhận diện những tồn tại, hạn chế, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, đồng thời bảo đảm các lợi ích về kinh tế - xã hội. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng đặt ra là tăng cường sàng lọc, thẩm định chất lượng dự án; kiên quyết từ chối những dự án công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

"Điểm danh" những tồn tại, hạn chế

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, mặc dù kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhìn chung đều có sự tăng trưởng qua các năm, nhưng quy mô về vốn trung bình của một dự án đang có xu hướng nhỏ lại. Cụ thể, vốn trung bình của dự án đăng ký mới năm 2017 đạt 13,8 triệu USD/dự án, giảm xuống 5,87 triệu USD/dự án năm 2018 và tiếp tục giảm xuống khoảng 4 triệu USD/dự án năm 2019. 

Sản xuất bo vi mạch tại Công ty TNHH Điện tử Meiko (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai). Ảnh: Mạnh Hà

Một điểm hạn chế nữa, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mới có khoảng 5% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ hiện đại, còn lại phần lớn vẫn sử dụng dây chuyền sản xuất, công nghệ ở cấp độ trung bình của thế giới. Mức độ nội địa hóa các sản phẩm cũng mới đạt khoảng 20-25%, thấp hơn so với các nước trong khu vực.

Thực tế này cho thấy mục đích muốn tận dụng mặt bằng sản xuất và giá nhân công rẻ của nhà đầu tư khi hiện diện ở Việt Nam. Điều này cũng lý giải vì sao nhà đầu tư tập trung vào lĩnh vực lắp ráp, sản xuất đơn giản để thu lời nhanh, chưa quan tâm thỏa đáng đến hoạt động nghiên cứu - phát triển sản phẩm mới. 

"Sự liên kết, lan tỏa, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước chưa đạt như kỳ vọng. Từ đó, cần tiếp tục có sự đánh giá, tham vấn của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia nhằm gia tăng kết nối, chia sẻ cơ hội giữa doanh nghiệp hai bên", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá.

Bên cạnh đó, cũng có trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết, chậm trễ trong triển khai dự án. Đơn cử, năm 2018, tỉnh Phú Yên đã thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô - Liên doanh giữa Tập đoàn Technostar Management (Anh) và Công ty Telloil (Nga) xây dựng nhà máy lọc dầu công suất 8 triệu tấn/năm, với số vốn 3,2 tỷ USD. Nguyên nhân là nhà đầu tư không thể triển khai dự án sau khi nhận giấy phép từ năm 2007.

Một vấn đề khác cũng luôn thu hút sự quan tâm của cộng đồng là việc tuân thủ pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường. Thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng doanh nghiệp FDI vi phạm các quy định trong lĩnh vực này. Dù các đơn vị đã có giải pháp khắc phục, nhưng đó vẫn là bài học nguyên giá trị trong phát triển kinh tế thời điểm hiện nay cũng như trong tương lai gần.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả, ưu tiên đầu tư vào ngành nghề mới

Xuất phát từ thực tế trên và yêu cầu nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài, thời gian tới, Việt Nam sẽ ưu tiên thu hút nhà đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng tái tạo, sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe... Đặc biệt, sẽ ưu tiên thu hút các ngành nghề mới trên nền tảng Cách mạng công nghiệp 4.0.

Với Hà Nội, phát huy những kết quả đã đạt được, thành phố tiếp tục xác định ưu tiên những lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhưng chọn lọc dự án có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường cũng như phù hợp với đặc điểm nguồn nhân lực chất lượng cao hơn so với nhiều địa phương khác. Đó là lĩnh vực hạ tầng cấp, thoát nước; xây dựng đô thị thông minh; công nghệ thông tin...

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Hà Nội đã tạo quỹ đất, sẵn sàng giới thiệu địa điểm cho nhà đầu tư nước ngoài; nhấn mạnh tiềm năng của 17 khu công nghiệp, các cụm công nghiệp và đặc biệt là Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể khai thác thông tin liên quan tại website: www.hapi.gov.vn.

Ở một góc độ khác, tuy chính sách, môi trường đầu tư đã cải thiện, nhưng kết quả đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn cần sự đóng góp thiết thực từ mỗi dự án cụ thể; sự tuân thủ pháp luật của nhà đầu tư.

Bà Lê Từ Cẩm Ly, Giám đốc Đối ngoại và pháp lý Công ty TNHH Nước giải khát Coca Cola Việt Nam nhấn mạnh, rất cần sự tự giác, trách nhiệm của nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần chia sẻ, vì lợi ích chung của xã hội. Công ty luôn chủ động thực hiện việc "sản xuất xanh" và sử dụng tới 80% nhà cung cấp là các doanh nghiệp trong nước.

Trong khi đó, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội mới để thu hút cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, văn bản pháp luật, nâng cao năng lực quản lý, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng nhằm chọn lọc dự án theo quan điểm “không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá”.

Về tổng thể, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cần bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu với đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao; sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa; phát triển công nghiệp hỗ trợ... Việc cung cấp thông tin về định hướng, quy hoạch cũng là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu của giới đầu tư nước ngoài.

"Việt Nam sẽ tăng cường sàng lọc, thẩm định chất lượng dự án; kiên quyết từ chối những dự án công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Tăng cường sàng lọc, thẩm định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.