Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường sáng 31-3: Hàng hóa phong phú, giá cả ổn định

Hà - Hương - Hiền| 31/03/2020 11:59

(HNMO) - Sáng 31-3, ghi nhận của phóng viên báo Hànộimới tại nhiều chợ dân sinh và siêu thị trên địa bàn Hà Nội cho thấy, các loại hàng hóa thiết yếu phong phú, giá cả ổn định. Đặc biệt, những quy định phòng, chống dịch Covid-19 như sử dụng khẩu trang nơi công cộng, đo thân nhiệt, rửa tay bằng nước sát khuẩn trước khi vào siêu thị, giữ khoảng cách an toàn… được các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hộ kinh doanh và người dân thực hiện nghiêm.

Chợ Châu Long.

Mặt hàng đa dạng, sức mua không mạnh

Có mặt tại chợ Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng) vào sáng 31-3, toàn bộ quầy hàng ăn đã đóng cửa, chỉ còn các quầy thực phẩm tươi sống và hàng khô. Không khí mua sắm diễn ra khá trầm lắng. Bà Phạm Thị Minh Dung, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ cho biết, những ngày qua, nhà hàng, quán ăn nghỉ bán nhằm chống dịch nên sức tiêu thụ thịt lợn giảm. Vì vậy, mỗi ngày bà chỉ lấy 20kg về bán.

Sáng nay, sức mua thịt lợn không mạnh, giá vẫn ổn định. Hiện, thịt lợn được bán ở mức 110.000-160.000 đồng/kg tùy loại; riêng mặt hàng tim lợn có giá 250.000 đồng/kg. Tại đây, giá các mặt hàng khác cũng giữ ổn định, cụ thể: Tôm sú: 420.000-550.000 đồng/kg; gà sống: 120.000 đồng/kg.

Riêng mặt hàng rau củ nhích nhẹ: Giá bí xanh được bán phổ biến 25.000 đồng/kg; bắp cải: 15.000 đồng/kg; súp lơ: 8.000 đồng/chiếc loại nhỏ; mướp: 5.000 đồng/quả ...

Chợ Quỳnh Mai 1.

Tương tự, tại chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình) lúc 8h sáng nay, ngoài các khu bán hàng lương thực, thực phẩm mở cửa, các quầy hàng khác đều thực hiện nghiêm yêu cầu của thành phố tạm đóng cửa tới hết ngày 15-4.

Tại khu vực bán thịt gia súc, gia cầm, các loại thịt lợn, bò, gà, ngan làm sẵn… đầy các quầy hàng nhưng người đến mua rất ít. Chủ quầy thịt lợn Phúc Minh cho biết, mấy hôm nay mưa lạnh nên khách mua giảm hẳn. Trước đây, cửa hàng tiêu thụ vài con lợn/ngày nhưng giờ không bán hết 1 con/ngày.

Chị Trần Thị Phượng kinh doanh rau xanh tại chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình) cho biết, rau dền 10.000 đồng/mớ; rau muống giá 15.000 - 20.000 đồng/mớ tùy loại; cải xanh có giá từ 8.000 đến 10.000 đồng/mớ; rau ngót 8.000 đến 10.000 đồng/mớ; cải cúc 6.000 đến 8.000 đồng/mớ.

Chủ quầy thực phẩm khô Minh Hoan, số 1 chợ Ngọc Hà cho biết, hàng khô không lên giá do nguồn hàng lúc nào cũng sẵn. Bà Minh Hoan cho biết thêm, giá gạo tám Điện Biên và tám Thái giá 170.000 đồng/yến, gạo Khang dân giá 120.000/yến, gạo nếp cái hoa vàng 30.000 đồng/kg, bún khô 25.000/kg, bánh đa Hải Phòng 40.000 đồng/kg, mì Chũ 30.000 đồng/gói.

Quầy thịt chợ Ngọc Hà

Ngoài ra, giá các mặt hàng thủy hải sản, thịt gà, thịt bò… cũng ổn định. Chị Nguyễn Ngọc Anh, kinh doanh thủy hải sản ở chợ tạm Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) cho biết, lượng hải sản cung ứng ra thị trường dồi dào, giá không tăng.

Chị Nguyễn Kim Thúy (trú tại ngõ 18 đường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) cho biết, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ nên chị tính toán mua thực phẩm cho gia đình sử dụng trong vài ba ngày rồi đi chợ một lần để hạn chế tối đa việc ra đường.

Hạn chế ra khỏi nhà, đeo khẩu trang khi mua sắm

Đáng chú ý, những quy định phòng, chống dịch Covid-19 như sử dụng khẩu trang nơi công cộng được các cơ sở, hộ kinh doanh và người dân thực hiện nghiêm túc.

Tại chợ Ngọc Hà trong sáng nay, tiếng loa phát thanh liên tục nhắc nhở người dân rửa tay đúng cách theo 16 bước và các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, ăn chín uống sôi, tránh tiếp xúc gần… - 100% người dân đeo khẩu trang và đeo đúng cách.

Tuy nhiên, việc giữ khoảng cách khi mua sắm còn hạn chế, do chợ nhỏ, lối đi hẹp nên đa số vẫn đứng cách nhau không đủ khoảng cách 2m khi mua hàng.

Siêu thị Haprofood 24 Trần Nhật Duật.

Trong khi đó, Cửa hàng Hapro Food số 24 Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm) sáng nay rất vắng khách. Các nhân viên đang sắp xếp quầy hàng, đưa thêm gạo, dầu ăn vào các kệ.

Tại đây bán nhiều mặt hàng trong chương trình bình ổn của thành phố, như dầu ăn, gạo, đường, nước mắm, nước chấm, muối, sữa … Trong số đó sản phẩm dầu ăn Tường An giá 223.000 đồng/chai 5 lít, muối sạch 3.000 đồng/kg… Các mặt hàng khô như mì tôm, miến, đỗ, lạc… đều rất phong phú.

Tại siêu thị Vinmart trên đường Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng), đầu giờ sáng, người dân đến mua không đông. Hàng hóa tại đây rất phong phú với nhiều chủng loại, nhân viên siêu thị liên tục bổ sung hàng tại các kệ có dấu hiệu trống. Bánh mì, thịt, rau củ quả được nhiều người lựa chọn nhưng mua với số lượng ít.

Siêu thị đang thực hiện giảm giá nhiều mặt hàng, trong đó táo Envy giảm từ 176.400 đồng/kg xuống 123.900 đồng/kg; nấm có giá 20.000 đồng/gói thay vì 28.500 đồng/gói; nho đen giảm từ 199.000 đồng/kg xuống 157.900 đồng/kg; dầu ăn có giá 85.500 đồng/chai 2 lít thay vì mức 94.500 đồng/chai 2 lít; giấy vệ sinh giảm từ 81.000 đồng/bịch xuống 57.000 đồng/bịch.

Siêu thị Vinamart Võ Thị Sáu.

Tương tự, tại siêu thị Big C Thăng Long, lượng khách đến mua sắm không đông. Chị Phạm Thu Phương (trú tại ngõ 15 phố Tú Mỡ, quận Cầu Giấy) cho biết: "Thực phẩm tại các chợ và siêu thị đều rất dồi dào, tươi ngon nên tôi chỉ mua thực phẩm đủ dùng khoảng 2-3 ngày để hạn chế việc ra khỏi nhà, không tích trữ hàng hóa".

Theo ghi nhận, nhân viên siêu thị và người tiêu dùng đều có ý thức phòng chống dịch bằng cách đeo khẩu trang. Tại siêu thị Vinmart, Big C, nhân viên an ninh kiểm tra thân nhiệt và nhắc nhở khách sát khuẩn tay trước khi vào siêu thị.

Còn tại các quầy thanh toán, thường xuyên có nhân viên điều tiết khách hàng đến các quầy vắng khách để không bị dồn nhiều khách hàng tại mỗi điểm thanh toán.

Đặc biệt, nhân viên siêu thị Big C Thăng Long còn cẩn thận dán các điểm đứng, ngăn khoảng cách giúp người mua chú ý đứng giữ khoảng cách trong lúc chờ thanh toán nhằm tránh lây bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường sáng 31-3: Hàng hóa phong phú, giá cả ổn định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.