Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung vào chủ thể làng nghề

Hà An| 21/02/2017 06:49

(HNM) - Trong khi các làng nghề ở nhiều nơi trên thế giới đã có những bước dài bằng chiến lược phát triển du lịch, kinh tế... thì nhiều làng nghề ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung, dù có tiềm năng rất lớn, vẫn đang loay hoay, “bước tiến, bước lùi”. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là ô nhiễm môi trường trầm trọng, phát triển thiếu bền vững.

Kết quả đợt khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội khóa XIV xung quanh việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo đảm môi trường tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn Hà Nội, công bố đầu tháng 2 vừa qua một lần nữa phác họa rõ thực trạng, thách thức tại các làng nghề.

Hà Nội có 1.350 làng nghề, làng có nghề, song hầu hết đều bị ô nhiễm ở phạm vi khá rộng và nghiêm trọng. Làng nghề trong tình trạng vừa là chủ thể gây ô nhiễm môi trường khu vực, cộng đồng vừa là nạn nhân của sự phát triển thiếu căn cơ, bền vững. Giải quyết thách thức trên là yêu cầu bức thiết, không chỉ vì làng nghề mà còn vì môi trường sống trong lành của Thủ đô, phát huy một trong những tiềm lực kinh tế, du lịch dồi dào của thành phố và cả nước.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường diễn ra ngày 24-8-2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội luôn quan tâm và có các giải pháp xử lý môi trường. Thành phố sẽ tăng cường kêu gọi xã hội hóa xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề. Ngày 8-10-2016, tại lễ khánh thành dự án Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức) bằng vốn xã hội hóa, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung một lần nữa nhấn mạnh quyết tâm của thành phố “nhằm cải thiện môi trường sống cho nhân dân Thủ đô, nhân dân khu vực xung quanh các làng nghề...”.

Chủ trương và hành động của thành phố đã rõ. Chỉ có điều vẫn còn trở lực rất lớn đến từ phía chủ thể người dân, chính quyền địa phương làng nghề do thói quen, tư duy làm ăn nhỏ lẻ… đã ăn sâu bám rễ. Trong khi, đây chính là nhân tố trọng yếu để tạo nên đột phá, chuyển động cụ thể.

Trước mắt, đúng như chủ trương của thành phố, cần có chiến dịch tuyên truyền cơ bản, sâu rộng về vấn đề này tại chính tâm điểm của khu vực gây ô nhiễm nghiêm trọng. Chính quyền địa phương phải nắm chắc hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển làng nghề, mới nhất là Kế hoạch số 36/KH-UBND về hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề TP Hà Nội năm 2017, ban hành ngày 16-2-2017. Trong đó, nêu rõ mục tiêu chung đầu tiên là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, kế hoạch của Trung ương và Hà Nội về phát triển nghề, làng nghề; xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề. Một trong những mục tiêu cụ thể là “Triển khai Kế hoạch 235/KH-UBND ngày 31-12-2015 của UBND thành phố về thực hiện công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020”…

Thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về làng nghề, cộng với tuyên truyền thường xuyên; huy động tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc, giám sát; quan tâm đầu tư, có cơ chế đặc thù cho những mô hình bảo vệ môi trường làng nghề hiệu quả chắc chắn người dân làng nghề sẽ từng bước thay đổi nhận thức và hành động.

Đây cũng là cách để những kiến nghị tầm vĩ mô về bổ sung Luật Bảo vệ môi trường; việc quy hoạch, chuyển đổi một số nghề, di dời một số ngành nghề gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư… khi được xây dựng và triển khai trong thực tế nhận được sự đồng thuận cao, tạo hiệu quả rõ rệt.

Rõ ràng, không ai có thể xoay chuyển tình thế, bảo vệ môi trường làng nghề bằng chính những chủ thể nơi đây!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung vào chủ thể làng nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.