Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vững mạnh từ gốc rễ

Tuấn Kiệt| 27/07/2018 06:21

(HNM) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định

Có thể nói, tổ chức cơ sở Đảng có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Trong những năm qua, công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn luôn được Thành ủy Hà Nội quan tâm, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng tổ chức, hoạt động. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại những vụ việc, vấn đề yếu kém liên quan đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Trước khi Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”, qua rà soát toàn thành phố vẫn còn có khoảng 200 vụ việc phức tạp trên địa bàn hơn 100 xã, phường, thị trấn. Việc giải quyết dứt điểm các vụ việc này ngay từ địa phương, cũng như không để phát sinh vụ việc phức tạp mới là yêu cầu đặt ra cấp thiết.

Muốn vậy, không gì khác là phải củng cố vững chắc, tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn từ các cấp ủy Đảng, trọng tâm là xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh; kiểm soát tốt tình hình ở cơ sở.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng khi nói về những mặt hạn chế, thiếu sót đã chỉ rõ những khuyết điểm kéo dài, đáng chú ý trong đó có nguyên nhân từ “gốc”, đó là chất lượng chi bộ chưa cao, chưa làm tốt công tác quản lý đảng viên. Đã có những biểu hiện cụ thể của sự suy thoái, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... Khi đã "bắt được bệnh" rồi thì yêu cầu quan trọng đặt ra là "bốc đúng thuốc". Và "thang thuốc" ấy chính là làm tốt công tác quản lý cán bộ, đảng viên ngay từ chi bộ.

Thực tế, sau một năm thực hiện, cán bộ, đảng viên và người dân Thủ đô nói chung đánh giá cao việc ban hành kịp thời Nghị quyết 15-NQ/TU. Sự tập trung trong chỉ đạo thực hiện nghị quyết của cấp ủy các cấp đã kéo giảm bớt bức xúc, mâu thuẫn nội tại ở từng địa bàn, giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Số "điểm nóng" ngày càng giảm. Công tác nắm tình hình dư luận xã hội được các cấp ủy chú trọng, giúp kiểm soát tốt hơn tình hình tại cơ sở, không để phát sinh các vụ việc phức tạp. Đáng chú ý là một số địa phương đã tăng cường cán bộ cấp trên về địa bàn còn tồn tại, được đánh giá là biện pháp phù hợp để chấn chỉnh đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế về năng lực, trách nhiệm.

Trong các giải pháp về công tác chính trị tư tưởng, các cấp ủy, chi bộ đã chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên để có chủ trương, giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả; coi trọng công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, tạo sự đồng thuận là cốt lõi để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị. Đặc biệt là việc xây dựng và thực hiện có hiệu quả nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó chú trọng xây dựng hệ thống chuẩn mực các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên với tổ chức Đảng và với nhân dân… Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tăng cường dự sinh hoạt với các tổ chức cơ sở Đảng, quan tâm tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của tổ chức, nhân dân, để điều chỉnh các giải pháp lãnh đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Làm thật tốt từ chi bộ cơ sở thì nhất định công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền sẽ có chuyển biến tích cực. Đó chính là những nhiệm vụ cụ thể, thiết thực của từng đảng viên, chi bộ và hệ thống chính trị ở cơ sở cần phải "nằm lòng".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vững mạnh từ gốc rễ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.