Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không được chủ quan

Chí Kiên| 18/08/2018 06:07

(HNM) - Thực tế cho thấy, từ sau khi thực hiện Luật Tiếp công dân năm 2013, công tác tiếp công dân đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt kết quả quan trọng. Tuy vậy, lĩnh vực này vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, nhất là ở cấp bộ, ngành và địa phương...

Có nhiều nguyên nhân, nhưng trên hết vẫn là trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền, nhất là cấp cơ sở chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức đến công tác tiếp công dân; có nơi, có lúc còn biểu hiện né tránh, đùn đẩy. Trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu tại không ít bộ, ngành, địa phương chưa bảo đảm, dẫn đến tình trạng không nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết bức xúc của người dân. Nhiều nơi còn thiếu chủ động kiểm tra, rà soát, chưa xử lý kịp thời, nghiêm minh cán bộ, công chức có thái độ không đúng mực, vi phạm quy định trong tiếp công dân…

Thêm điều đáng chê trách là việc công khai lịch tiếp công dân - một việc làm cần thiết, đương nhiên theo quy định, cũng chưa được một số địa phương, cơ quan thực hiện nghiêm túc. Điều này khiến dư luận băn khoăn liệu ý kiến, kiến nghị của công dân có được tiếp nhận, giải quyết thấu đáo?

Chính những tồn tại trên đã dẫn đến tình trạng công dân khiếu kiện vượt cấp, trong đó tập trung ở những lĩnh vực nóng bỏng như thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng và những vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài mà ở cơ sở chưa giải quyết được…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi chủ trì hội nghị về giải quyết khiếu nại, tố cáo hồi tháng 5-2018, đã chỉ rõ: “Chúng ta không coi thường những đốm lửa nhỏ, những đốm lửa nhỏ nếu gặp nắng nóng và gió lớn, dễ bốc cháy cả cánh đồng, cả cánh rừng”, vì vậy các cấp, ngành “đừng có chủ quan”. Rõ ràng, văn hóa đối thoại, trách nhiệm với nhân dân của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu, có vai trò rất quan trọng, quyết định đến kết quả tiếp công dân.

Việc này, thời gian qua ở Hà Nội đã làm bài bản và đạt kết quả tốt, nhất là từ sau khi có Quyết định số 2200-QĐ/TU ngày 25-5-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Ban hành quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội”.

Vì những lẽ trên, các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tiếp tục tăng cường tiếp công dân tại cơ sở, giải quyết vụ việc ngay khi mới phát sinh, không để kéo dài, không tạo thành điểm nóng; đồng thời gắn liền trách nhiệm người đứng đầu theo thẩm quyền. Muốn vậy, cần khắc phục ngay tư tưởng “khoán trắng”. Người tiếp công dân phải có thẩm quyền nhất định để giải quyết, chứ không chỉ là người chuyển đơn, ghi nhận, báo cáo lại, càng gây thêm bức xúc cho người dân.

Cùng với đó là coi trọng và triển khai thường xuyên, liên tục công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân hiểu rõ, chấp hành đúng chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách liên quan trực tiếp đến dân sinh. Giữ vai trò nòng cốt trong việc này là chính quyền địa phương, hệ thống cơ quan dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Việc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót, xử lý nghiêm các sai phạm trong công tác tiếp công dân cũng cần được chú trọng hơn nữa, qua đó tạo niềm tin trong nhân dân.

Khi trân trọng và lắng nghe dân, không chủ quan trước bất cứ việc gì xảy ra ở cơ sở thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết trên cơ sở thấu tình, đạt lý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không được chủ quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.