Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cả xã hội đồng hành cùng giáo dục

Minh Thúy| 06/09/2018 05:42

(HNM) - Tạm biệt những ngày hè sôi động, gần 23,4 triệu học sinh, sinh viên cả nước bước vào năm học mới. Khắp nơi, không khí nô nức, tưng bừng của ngày khai trường đã thể hiện rõ ngay từ sáng sớm 5-9, từ miền ngược đến miền xuôi, từ đô thị đến nông thôn.


Hòa chung niềm vui, lễ khai giảng của gần 2 triệu học sinh Thủ đô diễn ra trang trọng với chủ thể trọng tâm hướng đến là các em học sinh - chủ thể của hoạt động giáo dục. Không hình thức, khoa trương, lễ khai giảng được tổ chức ngày càng tiệm cận đúng bản chất của ngày "Toàn dân đưa trẻ đến trường". Không chỉ tưng bừng ở lễ khai giảng hay những hoạt động bề nổi khác, mỗi năm học ngày càng mang đậm dấu ấn sự quan tâm của toàn xã hội đến hoạt động dạy và học.

Điều này thể hiện rõ khi những năm qua Hà Nội tập trung đầu tư cho cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, hướng đến mục tiêu giữ vững vị trí là lá cờ đầu của ngành Giáo dục toàn quốc. Dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng Hà Nội luôn cố gắng giảm tải cho các trường học ở khu vực nội đô, cũng như từng bước đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất của các trường trên địa bàn toàn thành phố. Đáng chú ý, chỉ tính riêng năm học 2017-2018, Hà Nội đã dành tới 19.000 tỷ đồng cho hoạt động này, chiếm 25,5% mức chi từ ngân sách.

Bên cạnh đó, hoạt động xã hội hóa giáo dục cũng được chú trọng. Rõ nét nhất thể hiện qua việc hỗ trợ những trường học ở vùng vừa chịu thiệt hại lớn về thiên tai ở huyện Chương Mỹ, Quốc Oai sau trận lụt lịch sử cuối tháng 7 vừa qua. Sự chung tay của các cấp, các ngành và nỗ lực của các thầy cô đã giúp các em học sinh ở vùng "rốn lũ" được nhận hàng nghìn quyển vở và sách giáo khoa, hàng trăm bộ quần áo và nhiều đồ dùng thiết yếu khác đón năm học mới.

Ngày khai giảng thể hiện rõ nhất tinh thần cả xã hội hướng về giáo dục, dành những điều tốt đẹp nhất cho thế hệ tương lai của đất nước. Song, để trọn vẹn và thực chất hơn, cũng còn nhiều việc phải làm.

Trước tiên, chúng ta cần quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong buổi dự lễ khai giảng ở Trường THPT Chu Văn An: Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các bậc phụ huynh tiếp tục chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo; tạo điều kiện thuận lợi để các em được học tập trong môi trường tốt hơn...

Chăm lo cho giáo dục, cần nhìn nhận lại bản chất của hoạt động xã hội hóa giáo dục, đó phải là toàn xã hội cùng xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh và an toàn. Mỗi gia đình cần có trách nhiệm phối hợp với nhà trường trong việc quản lý, giáo dục con em; có chính kiến, quan điểm khách quan, cùng nhà trường xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh. Ban Đại diện cha mẹ học sinh phải là những người thật sự đại diện cho quyền lợi của học sinh để có phản biện trước những đòi hỏi chưa hợp lý từ cả phía nhà trường và phụ huynh...

Khi cả xã hội đồng hành, giáo dục sẽ phát triển toàn diện. Đó cũng là cơ sở để lời chúc: "Tôi mong các thầy giáo, cô giáo giữ vững ngọn lửa đam mê với sự nghiệp giáo dục, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong dạy học; các em sinh viên, học sinh phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, ý chí vươn lên, thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt để mai sau cống hiến cho nước nhà" của Chủ tịch nước trong thư gửi các thầy, cô giáo và học sinh nhân ngày khai trường sớm trở thành hiện thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cả xã hội đồng hành cùng giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.