Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bình tĩnh, không chủ quan

Minh Thúy| 13/09/2018 06:19

(HNM) - Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra trên lợn. Bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%.


Từ cuối năm 2017 đến ngày 10-9-2018, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo có bệnh dịch tả lợn châu Phi, với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy hơn 500.000 con. Đáng lo ngại là dịch bệnh này đang lây lan nhanh tại nước láng giềng Trung Quốc với 14 ổ dịch đã xuất hiện và hơn 38.000 con lợn buộc phải tiêu hủy.

Chừng ấy thông tin cũng đủ khẳng định sự nguy hiểm của dịch bệnh này đang đe dọa ngành chăn nuôi lợn ở nhiều quốc gia. Trong khi đó, Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO) nhận định gần như chắc chắn, dịch sẽ xuất hiện ở nhiều nước khác trong thời gian sắp tới. Với Việt Nam, vấn đề này càng “nóng” khi có một số địa phương của nước ta giáp với Trung Quốc, nơi dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp.

Trước mức độ nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành công điện chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương như: Kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, quản lý vệ sinh chăn nuôi, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam...

Là địa phương có đàn lợn lớn nhất cả nước, Chi cục Thú y Hà Nội đã đề nghị các địa phương tăng cường giám sát dịch tễ và đề ra nhiều giải pháp để đối phó, với phương châm ngăn chặn từ xa, đề phòng từ sớm. Cùng với Hà Nội, các địa phương trong cả nước cũng có nhiều giải pháp để chủ động đối phó với dịch bệnh nguy hiểm này.

Tuy nhiên, bình tĩnh, không chủ quan là thái độ cần phải có và phòng ngừa sớm là việc phải làm đồng bộ ngay từ lúc này.

Để những vấn đề này ngấm sâu, trở thành hành động tự giác của mỗi cơ sở chăn nuôi lợn, công tác tuyên truyền là điều quan trọng. Đặc biệt, với những hộ, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, công việc này càng cần được chú ý vì chỉ một sơ sẩy nhỏ cũng có thể bùng phát thành dịch lớn. Tuyên truyền phải theo hướng thiết thực để người chăn nuôi biết giữ vệ sinh chuồng trại, khu giết mổ, thông báo ngay cho lực lượng chức năng khi đàn vật nuôi có dấu hiệu khác thường… Khi đã nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phòng bệnh, người dân sẽ đặt lợi ích của ngành chăn nuôi, của cộng đồng lên lợi ích cá nhân. Lúc ấy, ắt hẳn công tác phòng bệnh sẽ hiệu quả hơn.

Trong điều kiện hiện nay, phòng dịch cũng phải có ưu tiên, có trọng điểm. Đó là tập trung kiểm soát về mọi mặt ở vùng biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như với các nước khác. Trách nhiệm này trước tiên thuộc các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... Bên cạnh đó, việc hướng dẫn người chăn nuôi có biện pháp chăm sóc đàn vật nuôi tốt hơn để có sức đề kháng với dịch bệnh cần được đẩy mạnh…

Về lâu dài, người chăn nuôi phải hướng đến chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, các biện pháp phòng bệnh phải được thực hiện thường xuyên, liên tục… Khi ấy, chúng ta sẽ có một ngành chăn nuôi mạnh, đủ điều kiện để đưa sản phẩm thịt lợn vươn xa. Hiện Trung Quốc đang chiếm một thị phần sản phẩm thịt lợn rất lớn trên thế giới. Do đó, nếu bình tĩnh, không chủ quan với dịch bệnh, chúng ta không những giữ vững được cán cân cung - cầu trong nước, mà thậm chí còn có thêm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm thiết yếu này tới nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bình tĩnh, không chủ quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.