Theo dõi Báo Hànộimới trên

Củng cố lá chắn an toàn cháy, nổ

Hà An| 07/10/2018 06:45

(HNM) - “Không biết, không quan tâm và không tham gia” là hiện tượng khá phổ biến hiện nay của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nói chung đối với việc mua bảo hiểm cháy, nổ (cả bắt buộc và tự nguyện).


Cháy, nổ - hiểm họa, tai ương xuất hiện cùng với đời sống con người lâu nay, luôn có chiều hướng bất ngờ, nhất là khi ý thức và khả năng áp dụng phương thức phòng cháy, chữa cháy hiện đại chưa cao, chưa hiệu quả. Đặc biệt, thói quen tham gia bảo hiểm nói chung và bảo hiểm cháy, nổ nói riêng chưa hình thành trong nếp nghĩ, nếp sống của đại đa số người dân, xã hội do rất nhiều nguyên nhân.

Thấy rõ điều này từ những phòng trọ nhỏ, hẹp nằm san sát, sâu trong ngõ với đường điện đi nổi loằng ngoằng, không an toàn… cho đến những chung cư lớn vẫn xưng tụng “cao cấp” nhưng âm thầm từ chối hệ thống phòng cháy đạt tiêu chuẩn. Hạn chế lớn từ nhận thức này tạo ra những vùng mất an toàn phòng cháy, “mồi lửa” cho “bà hỏa” hoành hành gây tổn thất lớn về tài sản, tính mạng con người.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23-2-2018 quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không nằm ngoài mục tiêu khắc phục tối đa sự cố cũng như thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Thật vậy, tham gia bảo hiểm nói chung, đặc biệt là bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trước hết là biểu hiện của xã hội văn minh. Ngoài những lợi ích thấy rõ như tạo ra cơ chế an toàn cho nguồn tài chính, tài sản của đối tượng tham gia bảo hiểm khi không may xảy ra sự cố; tạo ra nguồn thu để có thể trích sử dụng hợp lý nhằm đóng góp trở lại đối với công tác phòng chống cháy, nổ, thì sâu xa hơn, quá trình tham gia bảo hiểm cháy, nổ (cả bắt buộc và tự nguyện) sẽ góp phần củng cố ý thức phòng hơn chữa - lá chắn an toàn trước tai họa khủng khiếp này.

Tất nhiên, để các đối tượng thuộc diện mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cũng như người dân nói chung biết, rồi thấy cần thiết và bỏ tiền mua bảo hiểm cháy, nổ thì thực sự phải cần đến những bước đi mạnh mẽ hơn.

Do đó, trước tiên, công tác tuyên truyền phòng chống cháy, nổ vẫn phải làm thường xuyên, liên tục. Việc này không thể là hoạt động cho xong, hay chỉ rầm rộ sau các vụ cháy lớn… rồi chìm trong quên lãng. Tuyên truyền tạo thành vệt trên các phương tiện truyền thông, tuyên truyền có trọng điểm trước những thời điểm nguy cơ cháy nổ cao, tuyên truyền sâu theo đối tượng…, cần tới sự tham gia của cả hệ thống chính trị lẫn cộng đồng, đặc biệt là cả nguồn lực xã hội hóa.

Cùng với đó, phải đi kèm xử phạt nặng, nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy nói chung và về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc nói riêng. Cũng nên có thống kê, công khai các trường hợp cố tình không tham gia bảo hiểm bắt buộc. Thực tế, doanh nghiệp bảo hiểm có thể từ chối bán bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc khi cơ sở không bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật. Vì vậy, việc kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân “có cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ” cũng là điều kiện để thực hiện tốt Nghị định 23/2018/NĐ-CP.

Trước hết và sau cùng, bản thân từng tổ chức, doanh nghiệp, người dân, nhất là đối tượng có “cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ”, “có liên quan đến bảo hiểm cháy nổ bắt buộc” phải tự mình tìm hiểu, tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc như một phần trách nhiệm với chính bản thân, gia đình và cộng đồng.

Mỗi người nhận thức rõ hơn, quan tâm cụ thể hơn tới loại hình bảo hiểm này cũng có nghĩa là quan tâm nhiều hơn đến vấn đề mấu chốt là phòng cháy ngay trong gia đình, cộng đồng mình. Như thế, về gốc rễ mới tạo thành lá chắn an toàn trước rủi ro gắn liền với “bà hỏa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Củng cố lá chắn an toàn cháy, nổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.