Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động nắm bắt cơ hội

Duy Biên| 20/10/2018 06:47

(HNM) - Hơn chục năm trước, số lượng những gương mặt nữ doanh nhân thành đạt ở nước ta vẫn chưa nhiều. Có lẽ, một phần do xã hội vẫn cho rằng, phụ nữ thường chủ yếu là vun vén cho gia đình, chứ kinh doanh không phải là một nghề, một sự nghiệp với khát khao làm giàu, thành công và thành danh.


Thậm chí, việc lựa chọn phụ nữ vào vị trí lãnh đạo thường gặp khó khăn bởi những định kiến về khả năng lãnh đạo, những áp đặt về giới trong phân công công việc... Vậy nhưng, sự thành công của các nữ doanh nhân tại các doanh nghiệp như Vinamilk, Vietjet Air... đã làm thay đổi cách nghĩ này. Sự xuất hiện của những gương mặt nữ ở vị trí lãnh đạo dần trở nên phổ biến hơn. Thực tế đã chứng minh, khát vọng vươn lên, bứt phá mọi giới hạn đã khiến những thành công của phụ nữ trong kinh doanh được trân trọng, có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn tới cộng đồng.

Trong những năm gần đây, từ trung ương đến các địa phương đều ban hành những chính sách thể hiện nỗ lực và cam kết sẽ tiếp tục quan tâm, tạo mọi thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung, trong đó có các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nói riêng. Điều đó được cụ thể hóa bằng Quyết định 939/QĐ-TTg ngày 30-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”. Hay như tại Hà Nội, UBND thành phố đã ban hành Quyết định 1901/QĐ-UBND phê duyệt đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025”…

Rõ ràng, cơ hội cho doanh nhân nữ đã mở ra, rộng hơn, rõ nét hơn, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, khi vẫn còn những tiêu chí riêng về giới trong kế hoạch phát triển doanh nghiệp, thì phụ nữ Việt Nam nói chung, doanh nhân nữ nói riêng sẽ phải vượt qua nhiều thách thức. Song chắc chắn rằng, tên tuổi của những phụ nữ có tầm ảnh hưởng tới cộng đồng, được xã hội ghi nhận sẽ ngày càng nhiều. Vai trò, vị trí của người phụ nữ trong xã hội hiện đại sẽ ngày càng tăng.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nói riêng sẽ có rất nhiều cơ hội để chứng minh năng lực cũng như phát triển bản thân. Song để làm được điều đó, các doanh nhân nữ rất cần chủ động học hỏi kiến thức, nâng cao kỹ năng để có thể đáp ứng tốt nhất những thay đổi của thị trường và yêu cầu của khách hàng.

Bên cạnh đó, trước thách thức và áp lực của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nữ doanh nhân không thể gánh trách nhiệm nặng nề đó một cách đơn độc, đặc biệt là với một nền kinh tế mới nổi, còn tồn tại khoảng cách về giới trong cơ hội tiếp cận đào tạo, học hành, tuyển dụng và bổ nhiệm giữa nữ giới và nam giới. Vì vậy, bên cạnh sự ủng hộ của gia đình, xã hội, tổ chức trung gian hỗ trợ doanh nghiệp nữ cần phát huy vai trò phản biện chính sách, vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan ban, ngành, đoàn thể một cách thực sự.

Đặc biệt ở tầm vĩ mô, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và tạo môi trường, chính sách, thúc đẩy tinh thần kinh doanh, phát huy tiềm năng khởi nghiệp của nữ giới; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam một cách chuyên nghiệp, hiệu quả. Ngoài ra, cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện các chương trình quốc gia về hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó cần dành nguồn lực đáng kể cho nữ giới có điều kiện phát triển...

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, đây cũng là cơ hội để phụ nữ ngày càng có điều kiện khẳng định vai trò, vị thế của mình, từ đó chủ động nắm bắt, vươn lên, đóng góp sức mình cho sự phát triển của gia đình và xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động nắm bắt cơ hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.