Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để “cánh tay nối dài” thêm vững

Tuấn Kiệt| 25/12/2018 06:37

(HNM) - Chi bộ, thôn, tổ dân phố và các chi hội đoàn thể ở địa bàn dân cư giữ vị trí hết sức quan trọng, là


Các tổ chức này có thể ví như là “cánh tay nối dài” của hệ thống chính trị cơ sở, thực hiện tiếp nhận và trực tiếp giải quyết các mối quan hệ xã hội, triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vận hành tốt hệ thống này sẽ tạo tiền đề cơ bản, quyết định tính chất mạnh hay yếu của cấp ủy và chính quyền cơ sở.

Với Hà Nội, hiện nay thành phố đã thống nhất được mô hình tổ chức 1 chi bộ lãnh đạo 1 thôn, 1 tổ dân phố (hoặc một số tổ dân phố), 1 ban công tác mặt trận và chi hội đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn dân cư. Nhờ vậy, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ thôn, tổ dân phố đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn được nâng lên, hiệu quả hoạt động tốt hơn, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng ở xã, phường, thị trấn. Song dù đã có nhiều chuyển biến rõ nét, nhưng một số nơi quy mô thôn, tổ dân phố vẫn chưa phù hợp, hoặc là quy mô nhỏ hơn hoặc lớn hơn nhiều so với quy định. Một số thôn, tổ dân phố chưa có đủ các chi hội đoàn thể chính trị - xã hội... ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động tại địa phương.

Do đó, việc tiếp tục nâng cao hiệu lực của hệ thống chính trị ở thôn, tổ dân phố (bao gồm cả chi bộ Đảng, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, các chi hội đoàn thể) vẫn là nhiệm vụ quan trọng. Từ năm 2013, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Đề án số 06-ĐA/TU về “Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”. Tháng 7-2017, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”.

Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã ban hành Kế hoạch số 109-KH/TU ngày 29-11-2018 về “Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư theo Đề án số 06-ĐA/TU”, với 5 nhóm giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại về tổ chức hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, thôn, xóm, tổ dân phố, giúp tăng hiệu quả nắm bắt thông tin, quản lý, giải quyết hiệu quả các vấn đề ngay ở cơ sở, tránh phát sinh "điểm nóng". Vì thế những việc cần làm là các cấp ủy triển khai thực hiện ngay, hiệu quả các đề án, nghị quyết, kế hoạch của Thành ủy về vấn đề này. Để đạt hiệu quả cao, việc rà soát, nắm bắt thông tin, phản ánh từ cơ sở một cách chính xác có vai trò vô cùng quan trọng, từ đó đưa ra giải pháp xử lý phù hợp với điều kiện cụ thể địa phương.

Có thể thấy, TP Hà Nội đã xác định rõ vai trò quan trọng của hệ thống chính trị ở cơ sở, và yêu cầu đặt ra để cho “cánh tay nối dài” thêm mạnh chính là phải thúc đẩy hơn nữa việc củng cố, từng bước kiện toàn mô hình này. Khi hệ thống chính trị ở cơ sở đủ mạnh, sâu sát thực tế, nắm chắc tình hình chính trị tư tưởng của nhân dân... sẽ có những chỉ đạo, điều hành phù hợp, sát thực tiễn, bảo đảm tính khả thi cao, góp phần gắn kết giữa Ðảng với nhân dân, đem lại niềm tin cho nhân dân...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để “cánh tay nối dài” thêm vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.