Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để đến được với nhau

Chí Kiên| 05/01/2019 06:45

(HNM) - Thị trường lao động từ dịp Tết Dương lịch đến Tết Nguyên đán hằng năm luôn nhộn nhịp và năm nay cũng không nằm ngoài quy luật đó. Việc làm dồi dào, người có nhu cầu kiếm việc cũng không ít, nhưng việc cung - cầu không ăn khớp khiến thị trường này

Một tín hiệu vui là năm 2018 vừa qua, kinh tế tiếp tục trên đà khởi sắc nên nhu cầu tuyển dụng lao động nói chung, nhất là dịp “chạy nước rút” cuối năm của các làng nghề, doanh nghiệp cũng tăng theo. Không chỉ nhu cầu tìm lao động thời vụ, bán thời gian tăng cao, việc tuyển dụng nhân sự dịp này của các đơn vị còn nhằm phục vụ mục tiêu sản xuất, kinh doanh dài hạn. Đây là điểm thuận lợi cho người lao động tìm được việc làm ưng ý, phù hợp để tăng thêm thu nhập, trang trải cho dịp Tết.

Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại nghịch lý là các đơn vị cần tuyển người không tìm đủ lao động theo yêu cầu công việc. Có nhiều lý do nhưng chủ yếu nhất là những công việc thời vụ thường có mối ràng buộc lỏng lẻo nên người lao động có tâm lý e dè, lựa chọn việc dễ dàng, an toàn, thu nhập khá. Trong khi đó, dịp cuối năm, dù người tìm việc làm không ít nhưng với các doanh nghiệp cần nhân sự chất lượng cao cũng khó tuyển dụng, bởi đây là thời điểm người lao động có tay nghề cao không có nhu cầu chuyển việc nhiều.

Tổng thể, điểm mấu chốt vẫn là tìm cách để cung - cầu việc làm tìm đến được nhau.

Yêu cầu đầu tiên là người lao động nên chủ động, nhạy bén nắm bắt cơ hội việc làm. Đặc biệt, để tránh các trường hợp rủi ro, "cò" việc làm, người lao động hãy đến các sàn giao dịch, trung tâm dịch vụ việc làm uy tín để được đăng ký ứng tuyển miễn phí; trực tiếp liên hệ với nhà tuyển dụng thông qua các kênh tuyển dụng trực tuyến hoặc tại các ngày hội việc làm... Lưu ý, với những thông tin dạng "việc nhẹ, lương cao", người lao động nên cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định. Chiêu trò của những trung tâm môi giới, giới thiệu việc làm thiếu lương tâm là luôn đưa ra danh mục việc làm với khung thời gian làm việc ngắn, công việc nhàn nhã, ngược lại thu nhập rất hấp dẫn, vì thế người tìm việc dễ bị rơi vào bẫy, nhất là những người còn thiếu kinh nghiệm như học sinh, sinh viên, người ở tỉnh lẻ ra thành phố tìm việc lần đầu...

Cũng để giúp người lao động tìm được việc làm một cách hiệu quả hơn, tránh việc kết nối chỉ mang tính cơ học (doanh nghiệp và người lao động tự tìm đến nhau), thì thông tin kết nối dữ liệu cung - cầu lao động giữa các địa phương cần có sự liên thông hơn. Chẳng hạn, các đơn vị giới thiệu việc làm có thể chủ động phối hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu nhân sự lớn trực tiếp về các địa phương tuyển dụng. Cách làm này vừa tạo uy tín cho doanh nghiệp, vừa tìm được lao động có nhu cầu thực sự, đồng thời mang ý nghĩa xã hội sâu sắc với từng địa phương.

Về lâu dài, để thị trường việc làm phát triển ổn định, bền vững, đặc biệt là dịp cuối năm, thì việc đẩy mạnh kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, địa phương và cơ sở đào tạo nghề, trường đại học, cao đẳng cần được thực hiện trên tinh thần bám sát nhu cầu của thị trường. Với người lao động, ngoài tiếp thu đầy đủ kiến thức trong nhà trường còn phải trau dồi kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động, năng lực ứng dụng tin học và ngoại ngữ... Với doanh nghiệp, cùng với quá trình "săn" nhân sự chất lượng cao, cần quan tâm đến môi trường làm việc, có chính sách đãi ngộ tương xứng để giữ chân người lao động gắn bó lâu dài.

Thị trường lao động có kết nối cung - cầu ổn định, hợp lý sẽ là giải pháp hiệu quả giúp người lao động tìm được việc làm phù hợp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội
bền vững. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để đến được với nhau

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.