Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tín hiệu vui

Gia Khánh| 13/02/2019 06:30

(HNM) - Thông tin vui trong những ngày làm việc đầu tiên của năm mới Kỷ Hợi 2019 đó là có tới 98% lao động trở lại các khu công nghiệp ở Hà Nội, bắt tay ngay vào công việc. Vui hơn là không khí lao động phấn khởi trong những ngày đầu năm mới còn lan tỏa khắp các khu công nghiệp trong cả nước.


98% người lao động trở lại các khu công nghiệp làm việc là tỷ lệ cao hơn hẳn so với nhiều năm trước; trong đó, không ít doanh nghiệp đạt tỷ lệ 100% người lao động có mặt ngay từ ngày làm việc đầu tiên của năm mới. Như vậy, doanh nghiệp - chủ sử dụng lao động không chỉ bớt đi nỗi lo công nhân "nhảy việc", thiếu nhân công triển khai sản xuất, mà việc kinh doanh không bị gián đoạn, dây chuyền sản xuất được vận hành ngay, kịp thời cho ra sản phẩm, đáp ứng đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết…

98% người lao động trở lại làm việc trong ngày đầu năm mới Kỷ Hợi còn cho thấy giữa doanh nghiệp và người lao động có sự gắn kết chặt chẽ hơn. Ngoài các chính sách đãi ngộ thỏa đáng về lương, thưởng Tết, nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ kinh phí, phương tiện đưa đón công nhân về quê ăn Tết, trở lại làm việc sau kỳ nghỉ. Trước khi bước vào sản xuất, lãnh đạo doanh nghiệp gặp gỡ, chúc Tết, mừng tuổi người lao động, cùng nhau chia sẻ khó khăn, vất vả, cùng nhau hướng tới một năm sản xuất mới với khí thế mới phấn khởi, tự tin. Nhờ đó, không ít người lao động cảm thấy trở lại với nhà máy như trở lại với ngôi nhà của mình.

Tỷ lệ lao động trở lại các khu công nghiệp làm việc cao đã khẳng định rõ nét hơn vai trò của các cấp công đoàn - tổ chức đại diện cho người lao động, cầu nối giữa công nhân và chủ doanh nghiệp. Các cấp công đoàn không chỉ chăm lo cho quyền lợi của người lao động, tổ chức thăm hỏi người lao động mà còn phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp kiểm tra, động viên người lao động hăng hái sản xuất.

Công nhân được coi là lực lượng cách mạng tiên phong trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Với tinh thần đó, Đảng, Nhà nước luôn có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo cho đội ngũ công nhân. Để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách trên, các cấp công đoàn tiếp tục đổi mới hình thức hoạt động, gần gũi, gắn bó và trở thành điểm tựa vững chắc hơn cho công nhân, người lao động. Cùng với đó, doanh nghiệp - chủ sử dụng lao động, trước hết trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm các chế độ cho công nhân, người lao động. Bởi, muốn người lao động gắn bó, yên tâm đóng góp, cống hiến, doanh nghiệp phải tạo điều kiện làm việc thuận lợi, xây dựng môi trường lao động an toàn, chế độ đãi ngộ xứng đáng. Ngược lại, với người lao động, muốn hưởng chế độ đãi ngộ tốt hơn phải tự mình nâng cao kiến thức, tay nghề; rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức tự giác, trách nhiệm với công việc. Đây cũng là những điều kiện quan trọng để công nhân, người lao động từng bước tiến xa, làm chủ khoa học, công nghệ tiên tiến.

Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của chính quyền địa phương cũng rất quan trọng. Không chỉ hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, các cấp chính quyền còn có trách nhiệm giám sát, bảo đảm doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định đối với người lao động; đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp có chế độ đãi ngộ tốt hơn với người lao động (như đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu sinh sống của công nhân…), để công nhân, lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, an cư lạc nghiệp tại địa phương.

Số công nhân trở lại lao động gần như tuyệt đối là tín hiệu vui đầu năm mới, thể hiện sự gắn bó hai chiều giữa người lao động và doanh nghiệp, sự hợp tác hiệu quả giữa công đoàn và chủ doanh nghiệp. Tất cả cùng mang lại niềm tin về một năm mới thành công.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tín hiệu vui

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.