Theo dõi Báo Hànộimới trên

Coi trọng bản thân và cộng đồng

Duy Biên| 02/03/2019 06:58

(HNM) - Thông thường, giao thông Hà Nội vốn đã phải chịu áp lực lớn do hạ tầng còn hạn chế, trong khi mật độ phương tiện rất lớn. Vào dịp lễ, Tết hay trong mùa lễ hội xuân như hiện nay, lượng người tấp nập đổ về những địa điểm tâm linh thì áp lực càng tăng lên, kéo theo những tiềm ẩn phức tạp về trật tự an toàn giao thông.


Trong bối cảnh đó, điểm đáng ghi nhận là các lực lượng chức năng thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp như bố trí lực lượng làm nhiệm vụ tại các nút giao thông trọng điểm, lễ hội, khu di tích… nên đã hạn chế được tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông.

Tuy vậy, trên nhiều tuyến đường, không khó để bắt gặp hình ảnh người tham gia giao thông sẵn sàng vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, sử dụng đồ uống có cồn rồi tham gia giao thông, xe khách, taxi dừng đón trả khách sai quy định...

Đặc biệt, trong tháng 2-2018 trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông khiến 7 người chết, 3 người bị thương. Ngoài ra, lực lượng chức năng đã xử lý hàng nghìn trường hợp vi phạm...

Rõ ràng, những con số kể trên khiến chúng ta vẫn chưa thể yên tâm. Nguyên nhân dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông thì nhiều, cả chủ quan và khách quan. Song chung quy lại, nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là từ phía con người.

Trên thực tế, hiện nay, một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông chỉ chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông khi có mặt lực lượng chức năng giám sát, điều tiết giao thông. Những người này sẵn sàng vi phạm khi vắng bóng lực lượng chức năng. Vì vậy, yêu cầu đặt ra hàng đầu là cần xử lý nghiêm những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ với mức độ đủ tính răn đe.

Thêm nữa, trong điều kiện lực lượng cảnh sát giao thông không thể "phủ sóng" công tác tuần tra ở tất cả các tuyến đường phố, cần tăng cường xử phạt thông qua các phương tiện kỹ thuật như camera (phạt nguội). Hình thức này tác động trực tiếp, mạnh mẽ vào nhận thức của người đi đường, có tính răn đe cao khi tạo cho họ cảm giác luôn bị những camera giám sát trong quá trình tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, để từng bước nâng cao ý thức chấp hành quy định khi tham gia giao thông, công tác tuyên truyền, giáo dục có ý nghĩa rất quan trọng. Trường học là nơi tốt nhất để tuyên truyền về an toàn giao thông, nhất là bậc mầm non và tiểu học. Cùng với đó là tăng cường giáo dục ý thức tham gia giao thông từ mỗi gia đình, trong đó người lớn phải gương mẫu để con em học tập, làm theo. Công tác tuyên truyền về bảo đảm trật tự an toàn giao thông cũng phải được triển khai rộng rãi đến tận cơ sở, được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt thôn, cụm dân cư, hội diễn, liên hoan văn nghệ...

Đặc biệt, hiện người dân sử dụng các trang mạng xã hội ngày càng nhiều. Đây là những kênh thông tin có sức lan tỏa nhanh và hiệu quả rộng rãi. Chính vì thế, có thể sử dụng các trang mạng xã hội để chia sẻ những thông tin về tai nạn giao thông, hậu quả của tai nạn giao thông, cảnh báo những sự cố mất an toàn khi tham gia giao thông, kinh nghiệm tham gia giao thông an toàn... để tuyên truyền, nâng cao ý thức tham gia giao thông của mọi người.

Cùng với tuyên truyền, giáo dục, việc xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, tránh hiện tượng “nhờn luật”, sẽ dần tạo nên ý thức tự giác trong chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của mỗi người. Khi tham gia giao thông, bản thân mỗi người phải tôn trọng, có trách nhiệm với sự an toàn của mình và cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Coi trọng bản thân và cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.