Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chống lãng phí, bắt đầu từ nhận thức

Đan Nhiễm| 11/03/2019 06:23

(HNM) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019. Trong đó, yêu cầu đầu tiên là siết chặt kỷ luật tài khóa - ngân sách nhà nước; tiết kiệm 10% chi thường xuyên; dừng các công trình hiệu quả đầu tư thấp, chưa thực sự cần thiết...

Trong quá trình xây dựng và phát triển của mỗi quốc gia, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề chưa bao giờ hết tính thời sự. Với một đất nước đang phát triển nhanh như Việt Nam, tiết kiệm, chống lãng phí để dồn các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội… càng là đòi hỏi cấp thiết.

Vậy nhưng, nhìn vào muôn mặt của đời sống hôm nay, khó có thể nói rằng vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt kết quả cao. Đó là lý do người đứng đầu Chính phủ đã ban hành một chương trình tổng thể về tiết kiệm, chống lãng phí với những yêu cầu rất cụ thể.

Ở bình diện cá nhân, lãng phí được thể hiện ở việc mua sắm tiêu dùng vô độ; lối sống xa hoa... Ở cấp độ cơ quan, tổ chức, lãng phí thể hiện ở những hành vi: Công chức, viên chức ăn cắp thời gian làm việc; tổ chức tiệc, khánh thành, khai trương… phô trương; sử dụng ngân sách bừa bãi.

Trên bình diện quốc gia, là lãng phí trong lĩnh vực đầu tư công và hệ lụy lâu dài của nó, do thiếu tri thức, thiếu tầm nhìn và tư duy nhiệm kỳ mang lại. Chuyện đất “bờ xôi ruộng mật” hoang hóa vì dự án chậm triển khai; chuyện thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng trong đầu tư của một số "đầu tàu" kinh tế đã được phơi ra trước công luận, để lại nhiều bài học đau xót có lẽ không cần bàn thêm. Đây là những biểu hiện lãng phí ở cấp độ cao và đương nhiên, mức độ nguy hại là đặc biệt nghiêm trọng.

Vậy, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần bắt đầu từ đâu? Trước hết, phải thấy rằng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1-7-2014, nhưng lãng phí vẫn là căn bệnh trầm kha. Do vậy, chống lãng phí cần được thực hiện ở một cấp độ mới, cao hơn, quyết liệt hơn và trước hết là từ việc thay đổi tư duy. Đã đến lúc phải thẳng thắn nhìn nhận tình trạng lãng phí đã đến mức báo động. Thay vì coi lãng phí như một biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, cần nhìn nhận lãng phí là tội ác, là tệ nạn phải kiên quyết tẩy trừ.

Cũng như phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí và thực hành tiết kiệm đòi hỏi những giải pháp cấp bách và lâu dài. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến chống lãng phí, thực hành tiết kiệm gắn với cải cách hành chính, thì việc điều chỉnh cơ chế, chính sách nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài sản quốc gia cần phải được coi là nhiệm vụ cấp bách bên cạnh việc tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công...

Ở góc độ mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị và cá nhân tùy vị trí công tác, là việc nắm rõ, chủ động tham mưu và thực hiện nghiêm Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019, bằng những mục tiêu, hành động, kết quả cụ thể ở cơ quan, đơn vị và đối với từng cá nhân. Giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật về chi tiêu tài chính; sử dụng từng đồng ngân sách bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục đích; thực hiện nghiêm các quy định về tổ chức động thổ, khởi công, khánh thành… là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi phải có nhận thức đúng đắn, thực hiện nghiêm túc.

Cao hơn nữa là đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý đồng bộ với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng đơn vị… Suy cho cùng, những việc trên có thực sự hiệu quả hay không phụ thuộc vào nhận thức, ý chí của người đứng đầu, của mỗi cá nhân có trách nhiệm trong đơn vị.

Một vấn đề không kém phần quan trọng là phải nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ công chức - những người được trao trách nhiệm về quản lý nhà nước. Bởi nhiều khi chính sách được ban hành đúng, nhưng người thừa hành không có đủ năng lực triển khai.

Căn bệnh của nhiều công chức hiện nay là không am tường công việc, nhưng lại không chịu học tập vươn lên mà luôn tìm cách né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tình trạng làm việc kém hiệu quả, được chăng hay chớ... cũng cần phải đẩy lùi thông qua xác định rõ khung năng lực vị trí việc làm kết hợp với đánh giá chính xác kịp thời năng lực thực hiện nhiệm vụ. Nâng cao tính chịu trách nhiệm cá nhân trước công việc là giải pháp hạn chế nhiều cuộc họp không cần thiết, giảm lãng phí thời gian...

… Nếu ai đó không biết tiết kiệm cho chính mình, không thể hy vọng họ tiết kiệm cho đất nước. Nếu mỗi con người không biết tiết kiệm không thể tạo ra một xã hội tiết kiệm. Thay đổi nhận thức của xã hội với các biểu hiện lãng phí là hết sức cần thiết và giáo dục, tuyên truyền có vai trò đặc biệt quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống lãng phí, bắt đầu từ nhận thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.