Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công việc thường xuyên, liên tục

Minh Thúy| 22/03/2019 06:36

(HNM) - Câu chuyện nuôi lợn cảnh đang được cả cơ quan chức năng và người dân dành sự quan tâm đặc biệt. Một phần do đây là loại thú cưng mới, nhưng phần chính là sự lo lắng bởi nhiều chủ hộ buôn bán thừa nhận lợn được nhập lậu, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.


Niềm tin cảm tính của người mua lợn cảnh về sự an toàn của chúng mang theo nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh rất cao, nhất là trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Không chỉ lợn, mà với chó, mèo, gà, chim cảnh… đều có thể dễ dàng tìm mua mọi lúc, mọi nơi để làm cảnh. Sẽ không có vấn đề gì nếu thú nuôi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm dịch, tiêm phòng đầy đủ. Nhưng, không phải ở đâu, người dân nào cũng chấp hành nghiêm quy định. Đi kèm với đó là nhiều loại thức ăn, thuốc chữa bệnh cho thú cưng trên vỏ ghi tiếng nước ngoài, nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt và nguồn gốc cũng tù mù chẳng kém. Nguy cơ dịch bệnh, nhất là với những loài thú được bẫy, bắt từ thiên nhiên, hoặc nhập lậu, vì thế là rất cao. Nhẹ là lan truyền dịch bệnh sang động vật cùng loại gây thiệt hại về kinh tế, nghiêm trọng hơn là lây lan bệnh dịch sang người, gây nguy hiểm cho xã hội.

Nuôi thú cưng đang ngày càng phổ biến trong xã hội hiện nay. Điều đó đồng nghĩa với việc, thú cưng sẽ xuất hiện ngày càng đa dạng về chủng loại, có xuất xứ, nguồn gốc từ khắp nơi trên thế giới… Thực tế này đòi hỏi phải giải quyết cho được vấn đề quản lý thú cưng hiệu quả, phù hợp với xu thế của xã hội. Thế nhưng, mối liên hệ giữa người nuôi thú cưng với cơ quan chức năng cũng bị buông lỏng; việc kê khai, quản lý những vật nuôi này chưa được cả người nuôi và chính quyền sở tại quan tâm đúng mức. Việc phòng, chống bệnh dịch và siết chặt quản lý vật nuôi khi “việc đã rồi” sẽ không đạt kết quả cao nếu không hành động một cách thực chất, coi đây là công việc thường xuyên, liên tục. Thậm chí, chỉ khi xuất hiện bệnh dịch, việc này mới lại được đốc thúc, ráo riết triển khai...

Trong lĩnh vực quản lý vật nuôi nói chung và thú cưng nói riêng, đã có các quy định mang tính ràng buộc cả cơ quan chức năng và chủ vật nuôi. Đó là Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y; Quyết định 193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021”… Và gần đây nhất là công văn hỏa tốc do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến ký ban hành, chỉ đạo về tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển trái phép lợn cảnh mini qua biên giới… Với Hà Nội, thành phố đã ban hành Kế hoạch 30/KH-UBND ngày 26-1-2018 về việc thực hiện Quyết định 193/QĐ-TTg; Văn bản 4170/UBND-KT ngày 10-9-2018 về tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo… Như vậy, điều cần làm là cơ quan chức năng cần thực hiện đúng trách nhiệm, sát sao hơn trong công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tăng cường xử phạt để đưa hoạt động nuôi thú cưng vào nền nếp, buộc các chủ vật nuôi phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng, hình thành lối sống văn minh.

Cùng với những yếu tố “gốc” nêu trên, việc quản lý các cửa hàng chuyên cung cấp thức ăn, thuốc chữa bệnh cho thú cưng phải được thanh, kiểm tra thường xuyên. Khi vật nuôi rõ xuất xứ, nguồn thức ăn, thuốc chữa bệnh được kiểm định an toàn, sẽ góp phần hạn chế dịch bệnh phát sinh. Đặc biệt, nếu dịch bệnh xảy ra, cơ quan chuyên môn sẽ dễ dàng xác định được nguồn lây nhiễm, nguyên nhân và cách loại trừ. Khi ấy, chúng ta cũng không phải “giật mình” mỗi khi dịch bệnh xuất hiện và để ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công việc thường xuyên, liên tục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.