Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiện thực hóa chính sách an sinh

Duy Biên| 24/03/2019 06:38

(HNM) - Phát triển nhà ở xã hội là một chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho những người thu nhập thấp, đặc biệt là công nhân lao động tại các khu công nghiệp sở hữu nhà ở. Điều này thể hiện rất rõ tại

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, đến nay thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn chỉ phần nào đáp ứng được nhu cầu cho một bộ phận công chức, viên chức, người lao động có thu nhập ổn định, chứ chưa thể vươn tới mục tiêu giải tỏa ước mong an cư của phần đông người lao động, nhất là công nhân.

Theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đến năm 2020 cần có 12,5 triệu mét vuông nhà ở xã hội, song diện tích nhà ở xã hội hiện mới chỉ đạt khoảng 33%. Như vậy, nếu không có chính sách phù hợp, đột phá, mục tiêu trên sẽ khó có thể hoàn thành đúng tiến độ.

Thực tế cho thấy, ngoài những nguyên nhân cố hữu về nguồn vốn cho vay, quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, có một lý do là các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển loại hình nhà ở này. Bên cạnh đó, nhiều người vẫn còn nặng về tâm lý muốn sở hữu nhà ở, trong khi đó các doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư loại hình này.

Mặt khác, về chủ quan, nhiều doanh nghiệp cho rằng thủ tục liên quan đến phát triển nhà ở xã hội còn phức tạp, các chính sách ưu đãi còn chưa nhiều và quan trọng hơn là mức lợi nhuận thấp, không hấp dẫn…

Chủ trương đúng cần cách làm phù hợp. Điều quan trọng nhất là những điểm vướng trong thực hiện chủ trương phát triển nhà ở xã hội hiện nay cần phải được tháo gỡ, mà nút thắt chính là nguồn vốn, quỹ đất và chính sách thu hút đầu tư.

Với câu chuyện nguồn vốn, từ sau tháng 2-1016, khi giải ngân hết gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho người mua nhà xã hội, cả chủ đầu tư và người mua nhà xã hội đều chưa được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi nên gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, cần có giải pháp đột phá để khơi thông nguồn vốn cũng như dành nguồn lực nhất định hằng năm và lâu dài cho phát triển nhà ở xã hội. Ðồng thời, người dân cần thay đổi quan điểm sở hữu nhà ở sang có chỗ ở (thuê, thuê mua nhà ở), phù hợp thu nhập cũng như xu thế phát triển...

Ngoài ra, cơ quan quản lý cần chủ động và kịp thời xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội, cung cấp thông tin công khai, minh bạch cho doanh nghiệp, người dân. Cùng với đó cần cải thiện các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án; chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội và điều kiện, quy trình thủ tục cá nhân vay tín dụng hỗ trợ lãi suất, vừa để tăng nguồn cung căn hộ phù hợp nhu cầu và khả năng thanh toán của thị trường (nguồn cung), vừa tạo điều kiện về tài chính cho người có nhu cầu mua nhà (nguồn cầu).

Đặc biệt với người mua, cần có thêm chính sách kết nối cung - cầu trực tiếp, để giảm bớt chi phí cho đầu mối trung gian, đồng thời chủ động lựa chọn sản phẩm phù hợp túi tiền…

Tạo động lực mới phát triển các sản phẩm nhà ở xã hội đa dạng, có chất lượng và giá cả hợp lý… không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế đất nước, mà còn là mục tiêu hiện thực hóa chính sách an sinh, tạo điều kiện cho mọi người dân được an cư.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiện thực hóa chính sách an sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.