Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đi vào chiều sâu

Tuấn Kiệt| 25/03/2019 06:32

(HNM) - Với sự bứt phá ngoạn mục và lọt vào nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tỷ USD, rau, quả Việt Nam đã đánh dấu mốc tăng trưởng liên tục và mạnh mẽ, nhất là trong 5 năm gần đây. Đặc biệt, năm 2018, với giá trị xuất khẩu đạt 3,52 tỷ USD, rau, quả đã vượt qua nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh như chè, hạt tiêu, gạo và trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực.


Tuy nhiên, cũng như nhiều loại nông sản khác, rau, quả của Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, vẫn trong tình trạng xuất khẩu thô là chính. Mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 22 triệu tấn rau, củ, quả, nhưng chỉ có khoảng 9% sản phẩm được chế biến sâu, còn lại là sơ chế. Có thể thấy tiềm năng của rau, quả còn rất lớn, nhưng để phát huy thì đòi hỏi phải đầu tư vào chiều sâu, tức là tăng cường chế biến sâu làm gia tăng giá trị hàng hóa.

Để nâng cao tính cạnh tranh cho ngành hàng rau, quả, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu, vấn đề mang tính nền tảng và quan trọng là ngành Nông nghiệp nói chung, lĩnh vực rau, quả nói riêng cần thực hiện tốt quy hoạch vùng sản xuất, nâng cao chất lượng rau, quả, an toàn thực phẩm. Đặc biệt là cần ưu tiên đầu tư vào chế biến, coi đây là yếu tố chiến lược nâng giá trị hàng hóa cao hơn, giúp ổn định thị trường. Chúng ta đã từng chứng kiến bài học về tính cạnh tranh từ một số nông sản chủ lực như gạo, cà phê, hồ tiêu... tuy lượng xuất khẩu lớn, nhưng giá trị mang lại chưa cao một phần cũng do chưa có sự đầu tư vào khâu chế biến sâu dẫn tới tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch lớn, thậm chí làm suy giảm chất lượng sản phẩm.

Như đã nói, phần lớn rau, quả đang xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị thấp, vận chuyển khó khăn, tốn kém; đó là chưa kể có rất nhiều quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật của các nước đang là thách thức lớn cho nông sản Việt Nam. Do đó, yêu cầu thực tế đặt ra là phải phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, tập trung yếu tố đầu vào áp dụng khoa học công nghệ từ khâu chọn giống, tổ chức sản xuất đến chế biến và xuất khẩu. Các doanh nghiệp làm nòng cốt cùng với hợp tác xã, nông dân khắc phục được điểm yếu ở khâu chế biến rau, quả, xác định chất lượng là yếu tố quyết định hiệu quả kinh doanh nông sản khi tham gia "sân chơi" thế giới.

Xuất khẩu rau, quả tăng trưởng không chỉ giúp nông dân tăng thêm thu nhập mà còn trở thành động lực thu hút thêm các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Hiện nay, thị trường rau, quả thế giới được đánh giá là đang phát triển mạnh với nhu cầu cao, cho thấy tiềm năng ngành rau, quả còn rất lớn. Chắc chắn con số 3,52 tỷ USD giá trị xuất khẩu rau, quả hiện tại có thể sẽ bị bỏ xa vào những năm sau nếu có sự đầu tư đúng mức, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu, chế biến theo giá trị gia tăng. Sản xuất theo chuỗi giá trị sẽ tạo ra sự phát triển bền vững đối với nông sản Việt Nam, ổn định thu nhập cho nông dân. Đầu tư sâu vào chế biến còn có ý nghĩa rất lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, bởi chất lượng là yếu tố quyết định hiệu quả kinh doanh khi thâm nhập thị trường. Hàng hóa chế biến sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu vượt qua được những hàng rào kỹ thuật khắt khe về kiểm dịch thực vật và mức độ kiểm tra về an toàn thực phẩm...

Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi, đặc biệt là về vốn, đất đai để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có rau, quả. Để những chính sách đó đi vào cuộc sống, sự tự thân vận động của mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân là hết sức quan trọng. Nhưng, nông nghiệp vốn là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn, do vậy sự quan tâm, hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan chức năng, ngân hàng, nhà khoa học,... cũng quan trọng không kém, nhất là trong tháo gỡ vướng mắc phát sinh. Để đầu tư có chiều sâu, trước hết, cần sự phối hợp chặt chẽ, có chiều sâu. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đi vào chiều sâu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.