Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể chậm nữa!

Hoàng Ngân| 01/04/2019 06:08

(HNM) - Gần đây, ở nhiều tỉnh, thành phố xuất hiện những vụ việc không vui liên quan tới công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Cuối năm 2018, hiệu trưởng một trường phổ thông dân tộc nội trú tại tỉnh Phú Thọ bị tố giác có hành vi xâm hại đối với hàng chục học sinh nam trong thời gian dài.

Sang năm 2019, chỉ trong tháng 3, từ việc nhiều trẻ ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh nhiễm ấu trùng sán lợn; 8 học sinh tiểu học và THCS ở tỉnh Hòa Bình bị chết đuối khi tắm sông..., đến một nữ sinh lớp 9 ở tỉnh Hưng Yên bị nhóm học sinh khác hành hung dã man, quay clip và đưa lên mạng xã hội…, đã khiến bất cứ ai còn biết suy nghĩ cũng phải cảm thấy xót xa, bất an bởi mối nguy hiểm có thể đang đợi chờ con cháu mình ở đâu đó.

Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy trung bình mỗi năm có hàng nghìn trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại tình dục. Năm 2017 có khoảng 1.800 trẻ em tử vong do đuối nước, chưa kể số trẻ mất mạng vì tai nạn giao thông và nhiều nguyên nhân khác. Đầu tháng 3 năm nay, tại lễ phát động “Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em” do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các ngành, địa phương “lấy hạnh phúc và sự an toàn của phụ nữ, trẻ em làm mục tiêu hành động”.

Các giải pháp cần được thực hiện trên cơ sở Luật Trẻ em; Nghị định số 80/2017/NĐ-CP, ngày 17-7-2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường mà ở đó có các điều khoản quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể từ trung ương tới cơ sở, từ tổ chức Đảng đến cơ quan nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội…

Xem xét nội dung các văn bản pháp luật cũng như ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nhằm tạo môi trường sống, học tập, vui chơi lành mạnh, an toàn cho trẻ, rõ ràng là cho đến nay, thực tế triển khai còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao. Vậy, nguyên nhân là gì?

Nếu phân tích kỹ hơn về những vụ việc đã dẫn ở trên, có thể thấy rằng ngoài số trẻ nhỏ ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh bị nhiễm ấu trùng sán lợn hoàn toàn là do lỗi của người lớn, trẻ không có khả năng nhận thức mối nguy, không thể phản kháng hoặc lựa chọn giải pháp để tự bảo vệ, thì phần lớn trong số nạn nhân ở những vụ việc còn lại đều ở độ tuổi đã có thể tư duy độc lập, có khả năng nhận biết tình huống nguy hiểm.

Bởi thế, khi nói về nguyên nhân xảy ra sự việc đau lòng thì ngoài xem xét trách nhiệm của phía phạm tội, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc tạo dựng và bảo vệ môi trường sống an lành cho trẻ, cần phải gióng tiếng chuông cảnh báo với các gia đình, nhà trường, xã hội về trách nhiệm giúp trẻ em rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ. Vì trong thực tế, nếu được trang bị kỹ năng nhận biết mối nguy hiểm sông nước, được học đến nơi đến chốn bài học phòng, chống đuối nước, nhóm học sinh ở tỉnh Hòa Bình chưa chắc đã tử nạn bởi trong số đó có những trẻ đã bước vào tuổi 14, 15.

Cũng có thể đưa ra nhận định đó với trường hợp nữ sinh lớp 9, lớp 10 bị xâm hại tình dục hay bị bạn bạo hành, những người chắc chắn đủ khả năng nhận diện với tín hiệu nguy hiểm nhưng không đủ tỉnh táo, thiếu kỹ năng ứng phó, tìm lối thoát phù hợp, để cuối cùng phải chịu tổn thương nặng nề.

Hiện nay, ở Việt Nam, việc dạy kỹ năng sống cho trẻ đã bắt đầu được quan tâm nhiều hơn, cả từ phía các gia đình và nhà trường. Tuy nhiên, được quan tâm hơn không đồng nghĩa với hiệu quả giáo dục kỹ năng sống cho trẻ đã đạt tới mức cần. Trong thực tế, việc dạy trẻ trong giờ chính khóa dường như chưa đủ, nên “phát sinh” đủ kiểu lớp học kỹ năng sống được tổ chức ngoài giờ, tất nhiên là có thu phí nên có trẻ có điều kiện theo học và có trẻ thì không.

Về phía gia đình, không phải phụ huynh nào cũng ý thức được về tầm quan trọng của giáo dục giới tính, dạy kỹ năng sống. Kết quả là nhiều trẻ “ngu ngơ”, không nhận biết được giới hạn trong giao tiếp khác giới và cùng giới, những gì được phép và những gì không nên, thậm chí có trẻ nữ bị xâm hại tình dục và thai đã lớn mà không hay biết.

Có trẻ bị bạo hành chỉ vì những va chạm nhỏ diễn ra hằng ngày mà cả thầy, cô giáo và phụ huynh không nắm được; bản thân trẻ cũng không được dạy cách phản ứng trong trường hợp đó như thế nào nên im lặng, không trao đổi lại với người lớn, đến lúc mâu thuẫn bùng phát nặng nề thì hậu quả lớn hơn rất nhiều…

Những bài học đắt giá đã xảy ra, cho thấy việc giáo dục giới tính, kỹ năng sống đối với trẻ em quan trọng nhường nào. Ngành Giáo dục phải tìm cách nâng cao chất lượng công tác giảng dạy nội dung này, tạo mối dây kết nối thường xuyên hơn giữa nhà trường và các gia đình nhằm giúp trẻ tự nhận biết, tự bảo vệ mình trước những mối nguy hại, từ đó góp phần ngăn chặn hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em. Đã tới lúc không thể qua loa đại khái nữa rồi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể chậm nữa!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.