Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để giảm nghèo bền vững

Đình Hiệp| 08/04/2019 06:32

(HNM) - Tại Hà Nội, việc hiện thực hóa các mục tiêu trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đang được các cấp, ngành thực hiện hiệu quả, bảo đảm các nguồn lực cần thiết để gắn giảm nghèo bền vững với phát triển kinh tế - xã hội.


Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo như xây mới, sửa chữa nhà ở, tạo việc làm, cấp thẻ bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh, ưu đãi về tín dụng… cho các hộ nghèo, cận nghèo. Nhờ đó, chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn, miền núi ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, kết thúc năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm xuống còn 1,16% theo chuẩn nghèo của thành phố, về đích trước 2 năm trong mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.

Kinh nghiệm trong công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn thành phố cho thấy, thay vì hỗ trợ “cơm, áo, gạo, tiền” khiến người nghèo chỉ no ấm trong một thời gian rồi có thể tái nghèo, giờ đây người nghèo được hỗ trợ “cần câu” để thoát nghèo bền vững. Nói cách khác, các cấp chính quyền của thành phố đã thực hiện linh hoạt các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp với từng địa phương, từng đối tượng để giúp người nghèo thoát nghèo bền vững.

Dù đã hoàn thành sớm chỉ tiêu giảm nghèo trước 2 năm so với kế hoạch, song việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của thành phố còn nhiều điều đáng bàn. Kết quả giảm nghèo tại một số địa phương chưa bền vững; nguy cơ tái nghèo vẫn có thể xảy ra ở những hộ vừa thoát nghèo. Trong khi đó, việc kiểm tra, giám sát thực hiện công tác giảm nghèo tại một số nơi chưa thường xuyên. Đặc biệt là một số hộ nghèo không có người còn khả năng lao động, hộ có thành viên mắc bệnh hiểm nghèo, mắc tệ nạn xã hội… Vì thế, việc thực hiện giảm nghèo ở những gia đình này là rất khó khăn.

Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến cuối năm 2019 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1%; phấn đấu đến cuối năm 2020, nếu trừ hộ nghèo thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội, thành phố sẽ không còn hộ nghèo. Đây là một nhiệm vụ không đơn giản trong bối cảnh các nguồn lực hỗ trợ công tác xóa đói, giảm nghèo còn nhiều khó khăn.

Để giảm nghèo bền vững, trước hết các cơ quan chức năng của thành phố cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, thực hiện. Trong đó, tập trung 3 nhóm chính sách gồm: Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả người nghèo tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo, tập trung nguồn lực, giải pháp giảm nghèo bền vững cho các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt gắn chương trình giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới để tăng hiệu quả thực hiện.

Để giảm nghèo bền vững, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự chung tay của cả cộng đồng, thì sự nỗ lực vươn lên của chính những người nghèo là hết sức quan trọng. Chỉ khi nào bản thân người nghèo nhận thức được cần phải nỗ lực vươn lên thì khi đó các chính sách hỗ trợ của chính quyền, của xã hội mới thực sự hiệu quả, việc thoát nghèo mới thực sự bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để giảm nghèo bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.