Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nền tảng cho cách mạng nông nghiệp

Tuấn Kiệt| 09/04/2019 06:28

(HNM) - Trước đây, tình trạng đất manh mún, nhỏ lẻ phổ biến ở hầu khắp các vùng sản xuất nông nghiệp của nước ta. Điều này đã cản trở sự phát triển nông nghiệp hàng hóa, bởi ruộng đất manh mún khó có thể triển khai cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và khó hình thành vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn để nâng cao giá trị nông sản.

Đó là lý do để việc dồn điền đổi thửa được xác định là khâu đột phá nhằm hỗ trợ trực tiếp cho phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân.

Thực tế, nhu cầu tích tụ ruộng đất không phải đến gần đây mới được đặt ra, mà đã có từ nhiều năm về trước. Để nông dân gắn bó với ruộng đồng, không chỉ đơn giản là hỗ trợ về tài chính, giống cây trồng... mà cần tạo chính sách để nông dân có thể sử dụng tư liệu sản xuất một cách bền vững. Việc khắc phục tình trạng đất đai manh mún thông qua dồn điền đổi thửa, cấp chứng nhận quyền sử dụng sẽ giúp nông dân có thể chuyển nhượng hoặc góp vốn bằng đất, để có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập. Nói cách khác, đó là giải pháp để ruộng đất thực sự là tư liệu sản xuất của nông dân, có khả năng đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Mong muốn tích tụ ruộng đất để sản xuất chính là xuất phát từ nhu cầu thực tế cuộc sống của người dân và xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại.

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng triển khai thành công chủ trương này. Nhiều nơi, tuy công tác dồn điền đổi thửa được triển khai tích cực, thế nhưng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa lại ì ạch, chậm trễ gây không ít khó khăn cho nông dân. Hoặc có địa phương ngại triển khai bởi đây là công việc khó khi phải động chạm đến lợi ích riêng, nhất là với những hộ đang có ruộng ở vị trí thuận lợi, không muốn chia lại; hay do đất đai thiếu hồ sơ, bản đồ quản lý nên việc quy hoạch lại, chia đất cho nhân dân khó khăn và đòi hỏi có nguồn kinh phí lớn. Chính những vướng mắc như vậy làm cho công tác dồn điền đổi thửa là thách thức lớn, cản trở cuộc cách mạng trong sản xuất nông nghiệp.

Nhưng, những khó khăn ấy không phải không thể vượt qua. Vấn đề đặt ra là quyết tâm của chính quyền. Lấy ví dụ của Hà Nội, thành phố đã lựa chọn một bước đi khó trong xây dựng nông thôn mới là dồn điền đổi thửa. Đã có lúc, nhiều địa phương của Hà Nội cũng gặp vướng mắc về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa, song với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố đến nay công tác này đã cơ bản hoàn thành. Sau dồn điền đổi thửa, các địa phương, nông dân có điều kiện đẩy mạnh việc chuyển đổi vùng đất lúa kém năng suất sang các mô hình canh tác hiệu quả cao hơn, qua đó, giúp gia tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác, nâng cao thu nhập cho nông dân. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, ứng dụng công nghệ, cho giá trị cao ở các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Đông Anh, Gia Lâm...

Những kết quả trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đã cho thấy tính đúng đắn của chính sách và đó có thể là bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác. Cùng với chính sách để nông dân tích tụ ruộng đất thì các chính sách hỗ trợ, các công cụ điều hành vĩ mô hiệu quả sẽ tạo điều kiện cho nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng sản xuất chuyên canh quy mô lớn. Chính sách được triển khai tốt sẽ tạo điều kiện để nông dân thể hiện sự năng động, sáng tạo, vươn lên làm giàu. Đồng thời tạo nền tảng cho cuộc cách mạng nông nghiệp thành công...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nền tảng cho cách mạng nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.