Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn đề cấp bách

Chí Kiên| 10/04/2019 06:48

(HNM) - Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh, việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nói chung, giao thông tĩnh nói riêng ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là một trong những vấn đề cấp bách. Thời gian qua, Hà Nội đã đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tuy nhiên, tình trạng thiếu bãi đỗ xe ở khu vực nội đô vẫn là một trong những bức xúc cần tập trung giải quyết.

Thực tế cho thấy, sự phát triển mất cân đối giữa phương tiện giao thông cá nhân với kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có các điểm, bãi đỗ xe công cộng, đã, đang tạo ra áp lực rất lớn lên hệ thống giao thông đô thị. Đó là tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng phức tạp; vi phạm trật tự đô thị diễn ra ở nhiều nơi... Việc thiếu điểm trông giữ xe được quản lý còn làm phát sinh các bãi gửi xe trái phép, không phép. Đặc biệt, với người dân ở khu vực trung tâm, nơi đông dân cư khó tìm được chỗ gửi xe ưng ý, trong khi phải đối mặt với nguy cơ bị thu giá “chặt chém”...

Thời gian qua, hạ tầng giao thông tĩnh, nhất là bãi đỗ xe ngầm, đỗ xe thông minh gặp khó khăn trong kêu gọi đầu tư, tuy nhiên, thành phố vẫn xác định rõ chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực này là hướng đi đúng và hiệu quả bằng những cơ chế, chính sách phù hợp.

Vấn đề hiện nay là làm sao hài hòa được lợi ích giữa chủ đầu tư, Nhà nước và người dân. Vì vậy, để thu hút được các doanh nghiệp tư nhân có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công điểm đỗ xe ngầm, thì bên cạnh việc thực hiện đúng quy hoạch về bến bãi gửi xe, cần có các cơ chế ưu đãi, đặc thù như cho phép trông giữ xe kết hợp khai thác dịch vụ theo đúng quy định. Nếu làm được như vậy sẽ rút ngắn thời gian hoàn vốn của chủ đầu tư, qua đó dần tháo gỡ nút thắt, đem lại nhiều cơ hội cho các bên liên quan. Tuy vậy, đi kèm với đó, cơ quan quản lý nhà nước cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện dự án của các nhà đầu tư, nhằm hạn chế tối đa việc cam kết theo hình thức đối phó, gây thiệt hại đến quyền lợi của người dân và đẩy áp lực ra xã hội.

Như đã đề cập ở trên, về mặt thực hiện quy hoạch, điểm thuận lợi là vào tháng 12-2018, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua “Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, tuy nhiên quá trình thực hiện quy hoạch cần nghiêm túc, bảo đảm các yếu tố bền vững, đồng bộ, hiện đại. Đặc biệt cần xác định rõ quy mô, vị trí, tính chất, hình thức xây dựng từng bãi đỗ xe, lưu ý khu vực nào phải xây dựng điểm đỗ xe ngầm, điểm đỗ xe thông minh... Ngoài ra, đầu tư bãi đỗ xe phải theo từng giai đoạn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của các quận, huyện, thị xã...

Trước mắt, để giải quyết tình trạng quá tải hạ tầng giao thông tĩnh của thành phố, đối với những khu vực bức xúc, thiếu bãi đỗ xe vẫn phải duy trì một số điểm đỗ, trông giữ phương tiện tạm thời. Vì vậy, cơ quan chức năng cần quản lý hiệu quả, đúng pháp luật; đồng thời kiểm tra, rà soát, xử phạt nghiêm những điểm đỗ xe vi phạm và những cá nhân đỗ xe tùy tiện ở nơi công cộng. Bởi, nếu chúng ta vẫn buông lỏng thì người dân sẽ không có động lực để gửi xe vào các bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe thông minh nếu được xây dựng.

Như vậy, có thể khẳng định, với khu vực nội đô "đất chật, người đông", rõ ràng việc phát triển bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe thông minh là một giải pháp hữu hiệu và rất cấp bách hiện nay. Nhưng để triển khai hiệu quả, cần có cơ chế khuyến khích xã hội hóa phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề cấp bách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.