Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triệt để xử lý

Hà An| 13/04/2019 06:31

(HNM) - Đến năm 2020, 100% cơ sở y tế có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường và đến năm 2025, 100% chất thải y tế nguy hại (rắn, lỏng) tại các cơ sở y tế được thu gom, xử lý đạt chuẩn. Đây thực sự là những mục tiêu quan trọng trong việc bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.


Hiện thực hóa mục tiêu này theo Đề án “Xử lý chất thải y tế nguy hại thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” là bài toán thực tế không dễ giải, thậm chí rất khó khăn. Trong đó, việc xử lý rác thải y tế là cấp thiết, đặc biệt là rác thải nguy hại (với tính dễ lây nhiễm) tuy chỉ chiếm 30% lượng rác thải y tế nói chung, song tác hại mà loại rác này có thể gây ra cho môi trường chắc chắn sẽ vượt xa con số trên.

Giải quyết câu chuyện rác thải y tế cũng phải đồng thời đứng trên hai nhóm giải pháp quan trọng như nhau: Công nghệ phù hợp và tính triệt để trong xử lý.

Thực tế, mô hình lò đốt; hệ thống xử lý nước thải trong cảnh hỏng hóc, lạc hậu dẫn đến việc có xử lý nhưng không triệt để, xử lý chưa đúng quy định, không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bảo vệ môi trường; cùng với đó là quá trình loay hoay, xoay xở của bệnh viện để khắc phục bất cập trong tiêu hủy rác lại dẫn đến ô nhiễm thứ phát. Ngoài ra, các cơ sở y tế chưa tìm được nguồn kinh phí đầu tư tới nơi tới chốn. Chưa kể ý thức, kỹ năng của cán bộ y tế thực hiện các khâu trong quy trình xử lý chất thải y tế chưa được phát huy ở mức cao nhất. Công tác này phần nào cũng còn bị coi nhẹ so với nhiệm vụ chữa bệnh, cứu người luôn nóng bỏng ở các bệnh viện…

Trong khi đó, khối lượng chất thải của các cơ sở y tế ở thành phố được cảnh báo sẽ không ngừng gia tăng. Riêng năm 2018, trung bình có 27,5 tấn chất thải/ngày thì đến 2020, con số này dự báo sẽ là 90 tấn/ngày và tiếp tục lên tới 150 tấn/ngày vào năm 2030.

Xử lý một khối lượng chất thải như vậy thực sự phải cần đến một công nghệ hiện đại, phù hợp, một quy trình hiệu quả và một quan điểm xử lý thống nhất, triệt để.

Tuy nhiên, trong điều kiện kinh phí còn hạn hẹp, không thể cùng một lúc "phủ sóng" được toàn bộ hệ thống xử lý của hàng nghìn cơ sở y tế, thì mô hình xử lý theo mạng lưới cần được phát huy để đồng thời tiết kiệm chi phí, công sức và tăng tính hiệu quả. Cụ thể, các cơ sở y tế gần nhau có thể cùng nhau tính toán tận dụng nguồn lực cơ sở vật chất, con người xây dựng mô hình điểm tiếp nhận, lưu giữ chất thải theo cụm trước khi vận chuyển đến nơi xử lý tập trung.

Song trước khi có được những phương án liên kết chia sẻ như vậy lại phải cần đến bước rà soát tổng thể, đánh giá thực trạng các mô hình xử lý hiện áp dụng tại các cơ sở y tế; những dự liệu trong 5 -10 năm tới về cả kinh phí và công nghệ…

Bài toán này cũng cần đến sự chung tay của giới khoa học qua việc đóng góp những phương án công nghệ phù hợp, tiết kiệm. Ngoài ra, các chính sách kịp thời, nguồn đầu tư tập trung, có tính đột phá từ thành phố cho những mô hình khả thi là rất cần thiết với các bệnh viện.

Bên cạnh những giải pháp trên, cũng phải duy trì, mở rộng đối tượng tuyên truyền về quản lý rác thải y tế trong môi trường bệnh viện và xã hội. Ví như: Làm tốt việc phân loại rác ngay tại nguồn phát sinh; xử lý rác đúng quy trình; phát hiện, phản ánh kịp thời tình trạng rác thải y tế không được xử lý đúng cách; giữ vệ sinh chung tại các bệnh viện…

Cho dù còn bề bộn, thì mỗi bước xử lý rác thải y tế triệt để sẽ tạo được chuyển biến thực sự cho quá trình khó khăn này. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triệt để xử lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.