Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lối đi riêng từ tiềm năng, lợi thế

Dục Tú| 14/04/2019 06:32

(HNM) - Ngày 8-9-2016, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1755/QĐ-TTg, trong đó xác định Hà Nội là một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa của đất nước – cùng với thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.


Gần một năm sau, ngày 29-5-2017, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành Kế hoạch 112/KH-UBND thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu chung: “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô bao gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế Thủ đô và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao...”.

Thế kỷ XXI, công nghiệp văn hóa được coi là ngành công nghiệp trụ cột, có sức ảnh hưởng mang tính thúc đẩy vị thế, tầm ảnh hưởng của mỗi quốc gia. Những văn bản của Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội thể hiện tầm nhìn dài hạn, đúng đắn về công nghiệp văn hóa, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới và vị thế Thủ đô.

Trong nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều hoạt động mang tính bổ trợ cho công tác phát triển công nghiệp văn hóa. Những dự án, đề án phát triển làng nghề, du lịch văn hóa, tổ chức chương trình hòa nhạc định kỳ, các lễ hội hoa, Phố sách Hà Nội… góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo - một trong ba yếu tố trụ cột của công nghiệp văn hóa, cùng với cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất.

Dù vậy, hiện nay, kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô đang đối diện với nhiều khó khăn. Nghệ thuật truyền thống vẫn còn phải mỏi mắt chờ khán giả. Du lịch văn hóa chưa tận dụng tốt thế mạnh do những hạn chế nhất định về bảo tồn, khả năng cung cấp dịch vụ, quảng bá hình ảnh, chất lượng nguồn nhân lực. Hàm lượng chất xám trong các tác phẩm điện ảnh còn hạn chế, văn học thiếu vắng tác phẩm đỉnh cao, âm nhạc chưa đủ sức vươn ra ngoài biên giới - như đã thấy với Hàn Quốc. Tình trạng vi phạm bản quyền còn có diễn biến phức tạp. Kinh phí đầu tư cho hoạt động văn hóa tuy tăng hằng năm nhưng vẫn ở mức thấp.

Với hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa vốn trông cậy rất nhiều vào khả năng sáng tạo của các cá nhân và nguồn kinh phí xã hội hóa, vấn đề đặt ra là chúng ta chưa có được những tập đoàn mạnh đủ sức dẫn dắt và ứng dụng thành tựu công nghệ một cách hiệu quả...

Khó khăn là đương nhiên, cần có giải pháp để vượt qua. Khác với Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản…, những quốc gia có bề dày kinh nghiệm và thu được thành công ấn tượng về phát triển công nghiệp văn hóa, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có xuất phát điểm chậm hơn, trình độ thấp hơn, nguồn lực hạn chế, bởi vậy, cần có cách làm riêng, lộ trình phù hợp với điều kiện, khả năng và tiềm năng.

Trong lộ trình đó, sự đa dạng về văn hóa, nghệ thuật truyền thống, kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có thể được coi là “vốn liếng” quan trọng để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng, độc đáo, có sức cạnh tranh cao. Hà Nội cũng cần có giải pháp phù hợp về thuế, hình thức vay vốn, hoàn thiện cơ chế nhằm khuyến khích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ, tiến tới hình thành những tập đoàn mạnh đủ sức tận dụng nguồn tài nguyên văn hóa sẵn có một cách hiệu quả, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lối đi riêng từ tiềm năng, lợi thế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.