Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Người du lịch”

Thế Nguyên| 15/04/2019 06:50

1. Sự kiện lớn đối với ngành Du lịch nói chung, người làm du lịch nói riêng tuần qua đó là lần đầu tiên Diễn đàn Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam được tổ chức (ngày 12-4), với chủ đề

Tham dự diễn đàn, trước khi gợi mở giải pháp, “giao nhiệm vụ”, người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra hàng loạt câu hỏi với ngành Du lịch: Liệu chúng ta có đủ nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu ngành Du lịch hay không? Làm gì để tối ưu hóa nguồn lực sẵn có đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo sức lan tỏa sâu rộng cho sự phát triển kinh tế - xã hội? Các bộ, ngành đã làm gì, xây dựng chiến lược thế nào để nguồn nhân lực thật sự là một đột phá chiến lược đối với chính ngành Du lịch Việt Nam?

Những câu hỏi nêu trên thực sự đã đề cập những vấn đề "nóng" đối với ngành Du lịch hiện tại, cũng như những năm qua, “điểm mặt” những vướng mắc, tồn tại rất đáng để suy ngẫm.

Trước đó ít ngày, khi làm việc với tỉnh Quảng Bình về phát triển du lịch bền vững, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu rõ thực trạng chung hiện nay là các địa phương, trong đó có Quảng Bình, đang thiếu nguồn nhân lực làm du lịch, trong khi đó lại thừa lao động phổ thông, học sinh, sinh viên các ngành nghề khác ra trường chưa có việc làm... Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tỉnh nghiên cứu, có cơ chế đào tạo nghiệp vụ cho nguồn lao động trên để bổ sung kịp thời, có hiệu quả cho nguồn nhân lực làm du lịch..

Lâu nay, chuyện thiếu nhân lực, bao gồm nhân lực quản lý, nhân lực làm du lịch trực tiếp hoặc gián tiếp... dẫn tới rất nhiều hệ lụy đối với ngành Du lịch mà chưa cần nêu thì ai cũng rõ, đó là tình trạng thiếu sản phẩm (du lịch) đặc thù, “chặt chém”, phát triển thiếu bền vững... Trong khi đó, cùng với thể chế và cơ sở hạ tầng, với ngành, nguồn nhân lực là một đột phá chiến lược hàng đầu.

2. Nghị quyết 08-NQ/TƯ, ngày 16-1-2017, của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã nêu bật những tồn tại liên quan vấn đề nhân lực của ngành Du lịch những năm qua: Nguồn nhân lực vừa thiếu vừa yếu. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chưa được quan tâm đúng mức.

Để trở thành một đột phá chiến lược hàng đầu cho ngành Du lịch, phát triển nguồn nhân lực là vấn đề rất đáng để trước hết là chính người làm du lịch phải suy ngẫm. Ở góc độ quản lý là vấn đề đặt ra trong chính sách thu hút đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo cũng như đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực phát triển nguồn nhân lực du lịch. Ở góc độ đào tạo là vấn đề đặt ra đối với việc đa dạng hóa các hình thức đào tạo du lịch; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực.

Nhìn rộng ra, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, đó là vấn đề đặt ra đối với việc nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động ngành Du lịch; hoàn thiện bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia về du lịch tương thích các tiêu chuẩn khu vực và thế giới...

Cũng giống như cách gọi người mỗi địa phương, như ta vẫn thấy - người Hà Nội, người thành phố Hồ Chí Minh, người Huế... - người làm du lịch, bất luận họ ở vị trí nào, làm công tác quản lý, làm du lịch một cách trực tiếp (doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên...) hoặc gián tiếp (người dân nơi có điểm đến, sản phẩm du lịch, nơi có “cộng đồng làm du lịch”), nói không quá, đều có thể gọi là “người du lịch”. Đó là cái đích cuối cùng và cao nhất của chặng đường khỏa lấp khoảng trống nhân sự du lịch.

“Người du lịch” chính là đội ngũ quản lý có tầm nhìn về quy hoạch du lịch, không để tình trạng "bóc ngắn, cắn dài", "ăn xổi, ở thì", phát triển thiếu bền vững. “Người du lịch” là mỗi hướng dẫn viên, mỗi đơn vị lữ hành uy tín, không để xảy ra tình trạng "đem con, bỏ chợ". “Người du lịch” còn là mỗi chủ thể nơi có cộng đồng làm du lịch, là từng người dân nói chung mà mỗi người đều là một gương mặt “đại sứ thiện chí” góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam như một điểm đến thân thiện, hấp dẫn, "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi"...

Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gợi mở, nguồn nhân lực du lịch không chỉ ở các công ty du lịch. Đó còn là người dân và các cộng đồng, nơi diễn ra các hoạt động du lịch. Chính những cộng đồng, người dân này sẽ quyết định hệ trọng đến sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam. Xây dựng thành công “người du lịch” chính là cách để du lịch vượt qua vị thế một lĩnh vực kinh tế giàu tiềm năng, biến thành sức mạnh mềm và ảnh hưởng văn hóa của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Người du lịch”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.