Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì tương lai của thế hệ trẻ

Chí Kiên| 18/04/2019 06:28

(HNM) - Bạo lực trong trường học đã, đang là tâm điểm dư luận, là mối quan tâm lo lắng của rất nhiều gia đình, nhà trường và toàn xã hội bởi hậu quả mà nó gây ra về thể chất, tinh thần cho con trẻ là nghiêm trọng và lâu dài. Điều đáng nói, tình trạng này đang có xu hướng diễn biến phức tạp cả về tính chất, phạm vi.


Thực tế thời gian qua cho thấy, các vụ việc bạo lực học đường phần lớn xảy ra ở lứa tuổi học sinh phổ thông. Ở lứa tuổi này các em còn ít trải nghiệm nên thiếu “sức đề kháng”, dễ hấp thụ những mặt trái của xã hội, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội bùng nổ như hiện nay. Đây cũng là lứa tuổi mà tâm sinh lý có nhiều biến đổi, muốn khẳng định cái tôi.

Vì thế, lý do dẫn đến những cuộc ẩu đả trong lứa tuổi “nhất quỷ…” cũng “muôn hình vạn trạng” từ không ưa nhau, hay bị khiêu khích, đến tình cảm yêu đương, muốn thể hiện hơn người theo hình thức tiêu cực, “dằn mặt” người khác…

Rõ ràng, tình hình đã, đang ngày càng phức tạp và câu chuyện học sinh mâu thuẫn, gây gổ đánh nhau không còn là “chuyện trẻ con”. Vấn đề đặt ra là phải ứng xử, giải quyết tình trạng này thế nào để góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện. Lâu nay, khi nói đến vấn đề bạo lực học đường, chúng ta thường đề cập thế “kiềng 3 chân”, gồm: Gia đình, nhà trường và xã hội. Cả trước mắt và lâu dài, đây vẫn là giải pháp căn cơ nhưng quan trọng là phải nhìn nhận rõ vai trò, trách nhiệm của từng chủ thể, thay vì giao khoán hay đổ lỗi cho nhau.

Môi trường đầu tiên mà mỗi trẻ tiếp xúc là gia đình. Ông bà, bố mẹ là những ảnh hưởng đầu tiên, quan trọng nhất đến việc hình thành tính cách, nhân cách và định hướng sống của con cái. Do vậy, cách giáo dục và môi trường sống trong mỗi gia đình đóng vai trò không nhỏ, ảnh hưởng đến việc đứa trẻ lớn lên như thế nào và sống ra sao. Thực tế có tình trạng là lâu nay, không ít bậc phụ huynh chỉ chú trọng đến kết quả học tập của con em mà xem nhẹ trẻ nghĩ gì, cần gì hoặc phải xử sự ra sao với bạn bè, thầy cô... Vì thế, cha mẹ hãy là những người bạn đồng hành của con, không nên tạo cho con một vỏ bọc quá cứng nhắc sẽ gây ra tâm lý dựa dẫm, chơi bời và hưởng thụ.

Ở góc độ nhà trường, có thực tế là sự giáo dục còn nặng về kiến thức văn hóa, nên có lúc, có nơi chưa coi trọng nhiệm vụ giáo dục nhân cách, văn hóa ứng xử đúng mức, theo tinh thần "tiên học lễ, hậu học văn”. Với phương châm hành động “phòng” là chính, cùng với hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học, các nhà trường cần coi trọng việc dạy các môn học giáo dục công dân, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, xây dựng môi trường sư phạm thân thiện, trang bị nhận thức đúng đắn cho học sinh để các em có hành động đẹp và biết yêu thương nhau. Các nhà trường cũng cần chủ động trao đổi thông tin với gia đình học sinh, chính quyền địa phương để nắm tình hình, kịp thời có biện pháp quản lý và giáo dục học sinh.

Với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội, nhất là đoàn thanh niên cần nêu cao ý thức trách nhiệm, phát huy vai trò của mình trong phòng ngừa tình trạng bạo lực học đường. Trong đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, khi phát hiện các mâu thuẫn, khúc mắc trong lớp cần kịp thời phối hợp với ngành chức năng để có biện pháp ngăn chặn, tháo gỡ; đồng thời xây dựng môi trường khu dân cư an toàn, văn minh, thân thiện với mỗi trẻ.

Mỗi người làm giáo dục và các bậc cha mẹ hãy để tâm, thấu hiểu hơn về con trẻ, đặc biệt là trong các mối quan hệ gần nhất và trong bối cảnh xã hội. Sự hiểu biết ấy sẽ giúp giải quyết các vấn đề theo đúng giá trị nhân văn vì con người, vì sự an toàn và tương lai của thế hệ trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì tương lai của thế hệ trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.