Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động và thích ứng

Hà An| 25/04/2019 06:29

(HNM) - Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là vấn đề toàn cầu, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu phức tạp, công tác này càng đòi hỏi sự chủ động và thích ứng cao hơn. Trong đó, chủ động với phương châm “4 tại chỗ” và thích ứng qua hệ thống giải pháp đa dạng để giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.


Trong năm qua, Hà Nội chịu ảnh hưởng không nhỏ của biến đổi khí hậu, thiên tai với 2 cơn bão, 2 đợt áp thấp nhiệt đới, 7 đợt nắng nóng, 8 đợt không khí lạnh mạnh. Chưa kể, các vụ hỏa hoạn liên tiếp xảy ra với mức độ thiệt hại cao, tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp… cũng đặt công tác cứu nạn trước những yêu cầu mới.

Những kết quả đạt được trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Hà Nội năm qua là nhờ thực hiện tốt một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu - chỉ huy tại chỗ. Khi xảy ra mưa, bão, ngập úng, cháy nổ…, lãnh đạo thành phố, địa phương đã có mặt kịp thời tại hiện trường, chỉ đạo trực tiếp việc khắc phục, từ đó thông suốt các giải pháp, tăng hiệu quả xử lý.

Tuy nhiên, ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời là chưa đủ, khâu đầu tiên của phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là phòng ngừa. Mặc dù đã có những kết quả nhất định, nhưng công tác này ở Hà Nội vẫn còn hạn chế, thể hiện cả ở yếu tố con người và phương tiện. Ngoài việc thiếu chuyên nghiệp trong xử lý tình huống, còn tình trạng chủ quan ngay trong lực lượng làm nhiệm vụ. Mặt khác, phương tiện lạc hậu, thiết bị, máy móc hỏng hóc cũng làm giảm đáng kể hiệu quả công tác này.

Rõ ràng, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ có tính liên ngành, đo lường khả năng chủ động, thích ứng của cả bộ máy chính quyền và cộng đồng trên cả ba mặt trận: Phòng ngừa, ứng phó, khắc phục.

Để giảm nhẹ thiệt hại thiên tai và các sự cố xảy ra trong mọi mặt đời sống, địa phương cấp xã, phường - nơi gần dân nhất phải được tăng cường khả năng phản ứng nhanh. Muốn vậy, UBND các cấp, các sở, ngành cần đặt nhiệm vụ trọng tâm là rà soát mọi nguồn lực theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ).

Trước dự báo về diễn biến phức tạp của thời tiết khu vực các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, Hà Nội phải dẹp bỏ được sự chủ quan trong công tác này, từ đó củng cố tinh thần chủ động, sẵn sàng ứng phó sự cố của mỗi người dân. Những vi phạm về xâm hại hệ thống đê điều, công trình thủy lợi… phải sớm được xử lý nghiêm, triệt để.

Cũng bởi là vấn đề có tính quốc gia và toàn cầu, Hà Nội cần mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu để tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ cho hạ tầng công trình phòng, chống thiên tai; thường xuyên tập huấn các kỹ năng cụ thể cho lực lượng làm nhiệm vụ này…

Người dân các vùng nguy cơ cao cũng rất cần đến sự hỗ trợ thiết thực của các nhà khoa học với những sáng kiến về nhà ở, vật liệu củng cố đê điều, thủy lợi; xử lý môi trường sau thiên tai... Một ví dụ, dự án “Nhà chống lũ” triển khai từ năm 2013 đã mang lại hàng trăm ngôi nhà an toàn cho người dân vùng lũ nhiều nơi trên cả nước, lan tỏa thái độ tích cực “Sợ lũ là chuyện xưa cũ” và chuyển sang “Sống chung với lũ”.

Có thể nói, tùy từng thời điểm, từng địa bàn cụ thể các giải pháp phải linh hoạt, song cốt lõi của mọi giải pháp phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn luôn phải là tinh thần chủ động và khả năng thích ứng ngày càng cao cả về con người lẫn phương tiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động và thích ứng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.